Phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh: Bạo lực học đường từ đâu ra? 

  
Ts. Vũ Thị Phương Anh.

Hiện nay, tình trạng bạo lực trong môi trường giáo dục học đường đang ngày càng gia tăng. Học sinh đánh nhau, quay video clip lại đăng lên mạng xã hội đã trở nên phổ biến. Không chỉ dừng lại ở vấn nạn bạo lực giữa các học sinh với nhau, mà còn có cả việc giáo viên cũng hành xử bạo lực với học trò của mình, các bảo mẫu bạo hành đánh đập trẻ em… Thậm chí, bạo lực học đường đã khiến cho một học sinh tử vong như mới xảy ra vào ngày 11/10 tại Trường THPT Trần Hưng Đạo, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang), hay trường hợp trẻ 13 tháng tuổi bị bảo mẫu bạo hành đến chấn thương sọ não ở Cần Thơ ngày 15/10…

Chúng tôi đã có một cuộc trao đổi về nguyên nhân vì sao bạo lực trong học đường đã và đang trở thành một vấn nạn nhức nhối như hiện nay với TS. Vũ Thị Phương Anh – một nhà giáo, một chuyên gia nghiên cứu về giáo dục.

TS. Vũ Thị Phương Anh: Người ta cũng nói có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo lực trong giới trẻ ngày càng tăng, tôi nghĩ là có mấy lý do:

“Thứ nhất là giáo dục học đường và truyền thông báo chí, sách vở… không chú trọng đến việc dạy cho trẻ tình thương (cái mà tôi cho là rất quan trọng và căn bản đối với mọi đứa trẻ). Hồi xưa khi tôi còn nhỏ được đọc những sách truyện nhấn mạnh đến tình thương, khởi đi từ những điều nhỏ nhặt như thương con chó con mèo, thương bạn bè, anh em, gia đình… biểu lộ việc mình yêu thương và trân trọng. Hiện nay, những thứ đó lại vắng bóng trong sách vở, báo chí và giáo dục.

Kế đến, trong hành xử của thầy cô giáo đối với học trò, tôi thấy tất cả đều biến thành công cụ để đặt cho được mục tiêu Bộ Giáo dục (hay của Sở, của Phòng, của Trường) đưa ra. Con người bỗng trở thành công cụ, không có giá trị của tự thân của từng người. Mỗi đứa bé không thấy mình được yêu thương, mà chỉ thấy những áp lực như phải vở sạch chữ đẹp, phải có phiếu bé ngoan, phải đạt điểm số cao… Điều đó khiến cho người ta sốt ruột, căng thẳng và rồi những con người “công cụ” trong tình trạng căng thẳng dễ dẫn tới tình trạng bạo lực, cả đối với trẻ em lẫn người lớn. Tâm lý người ta luôn cảm thấy bị ép buộc, căng thẳng và muốn trút sự căng thẳng đó sang người khác. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân rất cơ bản”.

TS Vũ Thị Phương Anh cũng nhấn mạnh đến vai trò của giáo dục gia đình, trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái mình: “Bên cạnh giáo dục của nhà trường và xã hội thì giáo dục gia đình rất là quan trọng. Không hiểu sao, gia đình Việt Nam ngày càng bị bệnh thành tích nặng. Ở nhà trường, học sinh đã cảm thấy căng thẳng thì đáng lẽ khi về nhà, gia đình phải cân bằng, rửa bớt sự căng thẳng đó. Ví dụ như phải thương yêu, âu yếm, động viên thì cha mẹ lại tăng thêm áp lực cho con bằng những đòi hỏi, cạnh tranh với con cái người khác từ những điểm số. Giáo dục gia đình cũng bị hỏng”.

Theo đó, tình yêu thương là điều quan trọng khiến một đứa trẻ phát triển và giúp nó thoát ra khỏi khuynh hướng bạo lực: “Cái chính là trẻ em bây giờ thiếu tình thương, không được dạy yêu thương, không được dạy trân trọng chính bản thân mình và trân trọng những cái tình cảm con người mà bị biến thành một thứ công cụ” – TS Vũ Thị Phương Anh kết luận.

TS Vũ Thị Phương Anh cũng nhận xét rằng nền giáo dục nước ta cần phải thay đổi khởi đi từ ý thức của mỗi cá nhân: “Tôi không hy vọng giáo dục trong xã hội này thay đổi một sớm một chiều được, cái còn lại tôi cho là do ý thức của từng cá nhân. Những người trí thức hoặc có hiểu biết hiện giờ đang có trào lưu chống “trường chuyên lớp chọn”, cho con mình học trường bình thường, gần nhà để giảm bớt sức ép và không phải chạy theo thành tích, phù hợp với khả năng của con trẻ. Ngay cả bản thân tôi cũng trở về với giáo dục gia đình đối với con cái mình. Văn hóa hiện nay là tranh đua, thành tích, và ngay chính tôi đã phải cưỡng lại, để có thời gian thảnh thơi cho mình tĩnh lại, cho các tâm hồn được nuôi dưỡng và các cá nhân được phát triển…”

Hoàng Ney ( DL )
 

Một suy nghĩ 2 thoughts on “Phỏng vấn Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh: Bạo lực học đường từ đâu ra? 

  1. Chính vì chế độ kiềm kẹp quá làm cho người giáo viên ko thoải mái đế dạy hs sợ bị ghép tội phản động, nên ko thoải mái khi đứng lớp để làm tốt vai trò đào tạo ra con người

    Thích

  2. “Kế đến, trong hành xử của thầy cô giáo đối với học trò, tôi thấy tất cả đều biến thành công cụ để đặt cho được mục tiêu Bộ Giáo dục (hay của Sở, của Phòng, của Trường) đưa ra. Con người bỗng trở thành công cụ, không có giá trị của tự thân của từng người. Mỗi đứa bé không thấy mình được yêu thương, mà chỉ thấy những áp lực như phải vở sạch chữ đẹp, phải có phiếu bé ngoan, phải đạt điểm số cao… Điều đó khiến cho người ta sốt ruột, căng thẳng và rồi những con người “công cụ” trong tình trạng căng thẳng dễ dẫn tới tình trạng bạo lực, cả đối với trẻ em lẫn người lớn. Tâm lý người ta luôn cảm thấy bị ép buộc, căng thẳng và muốn trút sự căng thẳng đó sang người khác. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân rất cơ bản”.
    Tôi đồng ý với ý kiến này

    Thích

Bình luận đã được đóng.