Người Việt không xếp hàng vì đã mất niềm tin vào sự công bằng

Ra nước ngoài, người Việt vẫn xếp hàng rất lịch sự, nhưng về nước họ sợ những người ‘đi đêm’, tham nhũng, ‘con ông cháu cha’, các loại ‘cò’ quen biết… giành mất phần của mình.

 

Người Nhật xếp hàng trong các điểm dịch vụ công cộng là điều cả thế giới nhìn nhận là một nét văn hóa đặc biệt không phải đâu cũng có. Nhất là sau vụ thảm họa kép năm ngoái, toàn thế giới không chỉ được nghe đồn đại, hay đọc đâu đó mà được chứng kiến thực tế và mọi dân tộc khác đều phải ghen tị với việc xếp hàng này.
Trong cuộc sống hàng ngày, tại các bến xe lửa, trước cửa toa tàu là hai hàng người đứng hai bên cho người trên tàu xuống và lần lượt lên. Nếu không hết, người còn lại kiên nhẫn chờ chuyến tới và họ không chen lấn hay phàn nàn điều gì.


So với người Nhật, tại sao chúng ta ít xếp hàng? Hay nói cách khác, người Việt chúng ta có xếp hàng không? Và có được như người Nhật không?


Tôi sinh ra khi chiến tranh gần kết thúc và lớn lên trong giai đoạn bao cấp, giao thời mở cửa rồi đến kinh tế thị trường hiện nay. Tôi còn nhớ câu chuyện vui về xếp hàng phát chẩn (cho tiền, gạo những người bị tai nạn) thời xưa: “Số tôi thật không may, hôm trước đi nhận phát chẩn đứng cuối hàng nên khi đến lượt thì hết. Hôm qua đi sớm, họ lại phát từ cuối hàng lên và đến nơi cũng hết. Hôm nay, tôi cố gắng đứng giữa hàng, khổ nổi, họ phát từ hai đầu lại và… cũng hết khi đến lượt tôi”.


Trong thời bao cấp, dù muốn hay không mọi người đều phải xếp hàng, tuy nhiên việc xếp hàng dần dần có tiêu cực trong đó, có sự xí chỗ, có sự bán chỗ đã “xếp gạch” và điển hình hơn những người nhà, thân quen sếp sẽ có được các cách lấy hàng mà không phải xếp hàng.


Thời gian đó, ở các bến tàu, bến xe, việc có được một vé đi xe khách trước đây rất vất vả, phải xếp hàng từ rất sớm trước khi xe chạy cả ngày. Nhưng người có mối quan hệ, quen biết sếp… sẽ bỗng nhiên chen ngang và lấy hết suất vé, đành quay về chờ chuyến khác và mọi người đều phải sống chung với chuyện đó.


Việc này tồn tại đến tận bây giờ. Các loại vé xe, vé tàu, vé thể thao, vé sự kiện nghệ thuật… đều có sự chen ngang. Hay gần đây, chúng ta biết nhiều việc xếp hàng xin cho con đi học từ mẫu giáo, cấp một mà báo chí nhiều lần thông tin. Trong làm ăn kinh tế, nếu xếp hàng chờ đến lượt để có dự án, chắc mọi người sẽ phì cười vì phi thực tế hiện nay.


Tôi không ví dụ thêm nữa, chắc các bạn cũng hiểu trước nay, xưa kia và hiện tại thì người Việt Nam đều xếp hàng, chen ngang và mất chỗ diễn ra khắp nơi, mọi lĩnh vực, mọi hình thái, trong cả giáo dục, nghiên cứu khoa học đến nông dân bán hàng hóa…


Vậy nó nói lên điều gì? Đó là lòng tin của việc xếp hàng. Tôi dẫn chứng không đi quá xa về quá khứ, nhưng có thể nói: trong mỗi con người Việt Nam, lòng tin đạt được từ xếp hàng quá thấp, không ít thì nhiều, nhiều người có kinh nghiệm trả giá từ xếp hàng, bị chen ngang. Chính điều này khiến họ phải chủ động tranh chỗ, chen lấn nhau trong xếp hàng?


Trong cơ quan, thay vì xếp hàng chờ đến lượt, nhiều người đã chủ động “chạy” trước để xen ngang, tác động quan hệ để đạt được cái mình mong muốn, từ tâm lý này, tạo niềm tin vào xếp hàng đi xuống.


Với người Nhật, họ tin tưởng, biết chắc chuyến tàu tiếp theo sẽ đến và họ sẽ lên được tàu. Tin tưởng chắc chắn phần họ mong đợi trong xếp hàng sẽ đến và họ yên tâm xếp hàng, mọi người đều đồng thuận trong văn hóa này.


Người Việt Nam khi ra nước ngoài, hầu hết cũng xếp hàng và theo trật tự của nước sở tại, nghĩa là họ cũng tin cậy và kiên nhẫn với hàng mình đợi. Người nước ngoài đến Việt Nam, cũng có nhiều người lái xe máy phóng vèo vèo, vượt đèn đỏ, xếp hàng cũng chen lấn, tại họ ư? Chắc chắn khó mà lý giải được!


Như vậy, không phải ý thức của người dân Việt Nam chúng ta kém, không phải chúng ta không muốn xếp hàng, hay người Việt Nam chúng ta không kiên nhẫn. Chúng ta có thể thấy từ các hệ quả của xen ngang trong hàng đợi trong cuộc sống, từ các nhà quản lý “con ông cháu cha”… đã dẫn đến mất lòng tin để phải xếp hàng.


Bạn sẽ làm gì khi xếp hàng mà không tin là mình sẽ nhận được kết quả? Chen lấn, xô đẩy, đút lót, chạy chọt… làm sao cho mình đến được đích trước người khác. Và thế là chúng ta không xếp hàng được như người Nhật?





ĐẶNG VÂN PHÚC (VNEXPRESS)


Một suy nghĩ 5 thoughts on “Người Việt không xếp hàng vì đã mất niềm tin vào sự công bằng

  1. “Người Việt không xếp hàng vì đã mất niềm tin vào sự công bằng”…….Thật đúng, và quá đúng, gần như không thể có lời biện minh nào đúng hơn câu này…..

    Thích

  2. ĐÚNG VẬY, Kinh tế VN kiểu chụp giật , tham nhũng ,đầu cơ, chạy chọt, tạo……muốn có nhà đất hay việc làm tốt, vị trí béo bở trong các cơ quan nhà nước thì nhất tiền tệ , nhì hậu duệ, ba quan hệ…còn trí tuệ thì ít quan trọng thay vì dân chủ, công khai,tranh đấu công bằng như mọi người.

    Thích

  3. Tản mạn một chút về “văn hóa xếp hàng” từ thế kỷ trước đến nay. Còn nhớ ngày xa xưa đó, tháng 4/1975 giải phóng Saigon là tôi tròn 10 tuổi. Những tháng ngày sau đó đúng là hơi bị kinh khủng đấy. Mua gì cũng phải xếp hàng, và có tem phiếu mới được xếp hàng. Mỗi một tháng nhà nước phân phối 9 kg lương thực cho mỗi nhân khẩu, và phải đi xếp hàng để mua về. Nhưng gạo thì chỉ một hai ký tượng trưng, còn lại thì bo bo, mì sợi, khoai mì, khoai lang, bánh mì, bột mì … Sợ nhất là bo bo, nhai cứ như nhai cao su ấy, thứ đến là khoai mì với khoai lang, nguyên bao cả chục ký ăn không kịp là bị sâu bị sùng, bị chạy chỉ chai cứng, nếu chịu khó thì cắt lát mỏng ra phơi khô rồi hấp ăn từ từ, gạo thì sâu làm tổ thành kén trong bao, rầy nâu, bông cỏ lổn nhổn trong gạo. Nhắc đến là nổi gai ốc. Thời điểm đó cá nhân không được phép kinh doanh bất cứ thứ gì vì sẽ bị kết tội là tư sản và sẽ bị đánh sập tiệm ngay. Khắp mọi nơi chỉ có các hợp tác xã và chuỗi các cửa hàng do nhà nước quản lý. Hồi đó cũng chẳng có thịt heo bò gì đâu, ở ngoài chợ chỉ có cá thôi. Muốn có cá ăn phải dậy từ 3 giờ sáng và đến xếp hàng, về chất lượng thì cá này phải gọi là xà bần cá vì gồm hàng trăm loại cá ươn sình và hầu như cá lớn chẳng bao giờ thấy, chỉ có loại nhỏ cỡ 2 hay 3 ngón tay thôi và khi bán phải xúc bằng cái dụng cụ dùng để xúc đất mà người mình gọi là cái “xẻng”. Thỉnh thoảng thấy vài con cá đuối, mắt lấm la lấm lét thì thầm với người bán “Cô cho con con này nha !”, hên gặp cô nào dễ chịu thì cổ bươi con cá đuối đó ra cân, còn gặp lúc bà nào đang bực bội là bả cầm cái xẻng xúc cái mớ xà bần cá bể bụng kia là xong đời. Chất đốt thì chủ yếu là củi và dầu hôi. Vui nhất mỗi lần đi mua dầu, cả xóm lôi đủ các loại thùng ra, đến cửa hàng lấy thùng xếp thành hàng, mấy trăm cái thùng cùng bấy nhiêu con người nhốn nha nhốn nháo như hội. Đau đớn nhất là khi gần đến mình thì nhận được tin sét đánh ngang tai: “Hết dầu”. Thế là bầu đoàn thê tử, lếch tha lếch thếch ôm thùng không về. Lại nhắc về xếp hàng. Vì là anh hai trong gia đình (còn 4 đứa em nữa) mỗi tháng tôi phải thực hiện việc xếp hàng vài chục lần ấy, thỉnh thoảng mua hàng ở chỗ gần nhà, tối hôm trước chịu khó đến đó đặt cục gạch thẻ giữ chỗ, sáng mai cứ đứng xếp hàng ngay cục gạch là OK, nhưng phải đến sớm sớm chút, nếu đi trễ bị ai đó thủ tiêu cục gạch là công dã tràng. Nhớ lại hồi đó người dân mình ai cũng hiền lắm, rất hiếm khi thấy mọi người gây gổ (chẳng biết do hiền hay do thiếu năng lượng để gây), mỗi khi xếp hàng thật là lịch sự, ít có ai chen lấn lắm, dù khổ nhưng cái “văn hóa xếp hàng” của mọi người phải nói là rất văn hóa. Còn bây giờ thì khác xưa nhiều lắm, cứ ít người thì không sao, hơi đông một chút là chen lấn ngay. Biết bao giờ dân mình mới ý thức được như người Nhật ??? Buồn thay buồn thay !

    Thích

Bình luận đã được đóng.