Vừa qua, hàng loạt các cửa hàng chuyên bán hương liệu, phụ gia dùng để chế biến thực phẩm đã bị Tổ An toàn Vệ sinh Thực phẩm của UBND Đà Nẵng thực hiện nhiều cuộc kiểm tra đột xuất và phát hiện nhiều sai phạm về sản phẩm không nhãn mác được bán tràn lan ra thị trường.
Theo Tiền Phong, vào cuối tháng 9, Tổ liên ngành An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Đà Nẵng ghé một cửa hàng của Công ty CP KHCN Việt Mỹ. Đây là cửa hàng hóa chất lớn trên đường Điện Biên Phủ. Tại đây, hàng chục hóa chất công nghiệp không nhãn mác, phụ gia, hương liệu đùng để chế biến thực phẩm, đồ uống được bày bán công khai.
Ngổn ngang hóa chất, phụ gia thực phẩm tại cửa hàng hóa chất trên đường Điện Biên Phủ
Tại hiện trường, đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đã sang chiết, đóng chai rồi dán nhãn các loại nước rửa chén, nước lau sàn nhà, toa lét… từ những thùng hóa chất lớn, bên trong không rõ hóa chất gì. Các loại nước này, sau khi sang chiết được đóng chai bán với giá 8.000 – 11.000 đồng/lít. Nhân viên cửa hàng cho hay, khách hàng chủ yếu là nhà hàng, khách sạn, bếp ăn khu công nghiệp.
Bên trong cửa hàng có một phòng chứa hóa chất với ngổn ngang bao bì, chai lọ. Có một lượng lớn chất bột dạng pha lê màu trắng có ghi chữ Sodium Metabisulfite (N2S2O5). Nhân viên chia nhỏ bột, tự đóng gói và tự dán nhãn mác để phân phối ra thị trường dùng làm chất chống oxy hóa và chất bảo quản trong thực phẩm…
Theo Tổ công tác, cửa hàng đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Nghị định 67 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế, đồng thời yêu cầu các đơn vị kinh doanh phải bảo quản riêng biệt từng loại phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo.
Bên cạnh những thùng hóa chất lớn là những bao bì dán nhãn phụ gia và hương liệu dùng trong chế biến thực phẩm, nước uống như: chất tạo màu, bảo quản và giữ màu, chất tạo giòn, tạo đông, tạo hương thơm các loại thịt… Riêng các loại màu thực phẩm được bán với giá 240.000 – 520.000 đồng/kg. Có hai loại nước và bột để khách hàng lựa chọn.
Nhân viên của cửa hàng nói rằng, các loại phụ gia và hương liệu chế biến chỉ là hàng mẫu cho khách tham khảo. Nếu khách có nhu cầu, cửa hàng sẽ nhập về để bán. Các loại hóa chất này chủ yếu được đưa về từ TPHCM.
Nhân viên cửa hàng hóa chất trên đường Lê Duẩn giới thiệu về loại “Cafe Mỹ” chỉ cần 35.000 đồng có thể chế được 2.000 ly cà phê
Trong một lần giả danh khách hàng tiếp cận một cửa hàng hóa chất, phụ gia ở đường Lê Duẩn. Được biết chỉ cần ai có nhu cầu sử dụng hương liệu và phụ gia để pha chế đồ uống để kinh doanh buôn bán thì chủ quán sẽ đưa ra một can nhựa lớn giấu trong hộc bàn đặt lên giới thiệu. Trên can nhựa có nét chữ nguệch ngoạc “Café Mỹ” và hay quả quyết với khách rằng đây là hương cà phê Mỹ chính gốc, chất lượng đảm bảo. chỉ cần một giọt là đủ tạo hương cho ly cà phê đầy. Giá loại “Cafe Mỹ” này được cửa hàng bán với giá 350.000 đồng/kg.
Loại hương liệu này sẽ đem lại siêu lợi nhuận. Thường ai mới mua thì chủ quán chỉ bán 1 lạng (35.000 đồng) dùng thử. Hướng dẫn cách sử dụng hương liệu này, chủ quán cho biết, mang về rồi chiết qua lọ thuốc nhỏ mắt. Khi pha cà phê chỉ cần nhỏ 1 giọt vào phin pha thì đảm bảo có vị đắng và thơm của cà phê dù đã pha chế mấy lần. Chỉ cần 1 lạng có thể chế được cho 2.000 ly cà phê.
Ngoài loại “Cafe Mỹ”, cửa hàng còn bày bán nhiều loại phụ gia và hương liệu khác như: hương chanh, trà xanh, trà sữa, hương đậu xanh…Tất cả đều được đựng trong những can nhựa lớn và được dán giấy, viết chữ bên ngoài.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi đến một cửa hàng khác trên đường Ông Ích Khiêm (cạnh chợ Cồn) nơi bày bán hàng trăm loại hóa chất, phụ gia và hương liệu. Tại đây, một nhân viên nữ giới thiệu một loại bột hương liệu dùng để pha chế khi rang cà phê nguyên chất. Đó là một thứ bột sẫm màu, không nhãn mác.
Được biết, đây là đợt kiểm tra đột xuất do Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo, lấy hình thức bốc thăm địa điểm, nhằm hạn chế việc lọt lộ thông tin. Danh sách các địa điểm kiểm tra được phân thành 3 nguy cơ gồm đỏ, vàng, xanh theo thứ tự ưu tiên giải quyết. Ví như có đợt ưu tiên bếp ăn tập thể, đợt khác chuyển sang chất phụ gia, bảo quản… Mỗi tuần, Tổ sẽ kiểm tra 8 – 10 cơ sở, cửa hàng.