Kinh tế và công nghiệp Đức

Giới thiệu 

 

Đức là một nước công nghiệp lớn của Liên minh châu Âu và là một trong những nước công nghiệp hàng đầu của thế giới. Tổng lực lượng nhân công của đất nước gồm khoảng 38 triệu người – xấp xỉ 46% dân số.

Cơ cấu kinh tế

Ở nước Đức, cũng như ở phần lớn các nước phát triển khác, trong một thời gian lĩnh vực công nghiệp dần dần ít việc hơn. Hiện tại, đang có sự chuyển đổi từ sản xuất sang các ngành kinh doanh dịch vụ, mặc dù sản xuất vẫn đang tạo ra một tỷ lệ việc làm lớn hơn bất kỳ ngành nào của lĩnh vực dịch vụ.

Mặc dù nhiều yếu tố không thuận lợi, kinh tế Đức vẫn là một trong những nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Đức đứng thứ hai, chỉ sau Mỹ, về xuất khẩu hàng hoá. Xe hơi và hàng hóa có giá trị công nghệ cao của Đức đặc biệt thuộc vào những hạng mục hàng tiêu dùng đáng ao ước nhất thế giới. Những cái tên như Mercedes, BMW, Volkswagen và Audi nổi tiếng toàn cầu về những động cơ mạnh mẽ của chúng còn trong công nghệ và hàng hoá gia dụng thì Bosch, Braun, BASF, Siemens và Zeiss, tất cả đều đi đầu trong lĩnh vực đổi mới. Ngoài ra, Adidas của Đức là một trong những nhãn hiệu thể thao nổi tiếng nhất trên thị trường hiện nay.

  

Vị thế của nước Đức như là một cường quốc công nghiệp đã có từ thời kỳ phát triển trong những năm sau Đại chiến thế Giới II. Khi đó, từ một quang cảnh hầu như hoàn toàn đổ nát và hỗn độn của các thành phố, các ngành công nghiệp ở miền Tây của đất nước đã được xây dựng lại từ con số 0. Công cuộc khôi phục lại đã được hỗ trợ rất nhiều bằng tiền của Mỹ, theo kế hoạch Marshall, kế hoạch nhằm giúp đỡ và hỗ trợ các nền kinh tế bị kiệt quệ khắp Tây Âu sau chiến tranh.

  

Volkswagen và Wolfsburg – phát triển trong vận rủi

 

Một ngành công nghiệp lớn như sản xuất động cơ thông thường sẽ dẫn đến việc thiết lập một trung tâm dân cư quanh nó. Tuy nhiên trong trường hợp của Wolkswage (VW) của nước Đức, có thể nói rằng, công nghiệp đã dẫn đến thành lập cả một thành phố.

Năm 1938, Wolfsburg chỉ hơi lớn hơn một làng với khoảng 1.100 dân. Vị trí nằm ở trung tâm của nó là một nhân tố quan trọng để chọn làm địa điểm cho nhà máy VW. Volkswage theo từ nguyên có nghĩa là “xe hơi bình dân” và công ty đã cố gắng để chế tạo một xe hơi mà một công nhân bình thường cũng đủ khả năng có được. Các đơn đặt hàng không ngừng tăng cho sản phẩm của công ty đã dẫn đến sự mở rộng của Wolfsburg kể từ khi nhà máy được thành lập năm 1938. Ngày nay, đây là nha máy xe hơi lớn nhất trên thế giới, có hơn 48.000 công nhân, và dân cư của Wolfsburg đã tăng lên đến 128.000 người.

Công ty VW nhận thức được trách nhiệm của mình đối với cả con người và môi trường nơi đây, đã luôn luôn đóng góp cho cấu trúc hạ tầng văn hoá của thành phố. Một trung tâm hội nghị, trung tâm văn hoá, nhà hát, mô hình vũ trụ và viện bảo tàng, tất cả đều do các kiến trúc sư nổi tiếng thế giới thiết kế và tất cả là minh chứng cho tầm quan trọng của công ty đối với thành phố. Thiết thực hơn, nhà máy điện của công ty đã cung cấp toàn bộ nhiệt năng và điện năng cho thành phố.

Công ty hợp doanh Wolfsburg AG do chính quyền thành phố và công ty cùng sở hữu, đang tìm cách giảm tỷ lệ thất nghiệp trong vùng bằng việc khuyến khích đầu tư kinh doanh mới và phát triển Autosadt, một công viên giải trí được tổ chức theo nhóm chủ đề, đây đồng thời là cách để giới thiệu công ty và thành phố một cách nhanh chóng cho du khách, với số lượng đến thăm ngày càng tăng.

Sự tàn phá của chiến tranh

Do hậu quả của Đại chiến thế giới II, nước Đức chìm trong cảnh đổ nát. Những thành phố lớn của nó đã bị huỷ diệt và phần lớn dân cư ở những nơi đó đã phải dời đi. Ví dụ trước chiến tranh, Cologne có dân số là 750.000 người, nhưng đến đầu năm 1946 giảm xuống còn 32.000 người. Sản xuất công nghiệp thực sự ngừng trệ và đồng tiền Đức – đồng mác Đức – mất giá đến mức thuốc lá Mỹ thậm chí trở thành phương tiện trao đổi có giá trị hơn. Các chợ đen rất phát triển và người ta dự đoán là khoảng từ 1/3 đến một nửa của tất cả các giao dịch kinh doanh thời kỳ này được thực hiện bằng đổi chác.

Trong khi nền kinh tế tiếp tục đình trệ, những quan niệm khác biệt về tương lai của nước Đức cũng lộ rõ. Lên Xô muốn duy trì quyền lực trong khu vực ảnh hưởng của mình, trong khi các đồng minh phương Tây muốn giúp đỡ phục hồi nền kinh tế Đức mà không muốn can thiệp lâu dài. Sự xung đột về tư tưởng này đã dẫn đến sự chia cắt nước Đức thành hai quốc gia.

  

Phép màu kinh tế

Sau khi tách ra, nền kinh tế của Tây Đức đã đạt được sự hối phục đáng khâm phục. Nó được kích thích ban đầu bằng nguồn tài trợ của Mỹ và sự tự nguyện làm việc chăm chỉ với mức lương thấp của người Đức cho đến khi năng suất được cải thiện. Nhưng quan trọng hơn là những cải cách của bộ trưởng tài chính Ludwig Erhard, và trên hết là việc phát hành đồng tiền mới có thể chuyển đổi ở cấp độ thế giới – đồng mác Đức – năm 1948. Điều này đã làm hồi sinh nền kinh tế Tây Đức. Hầu như đột nhiên các chợ đen ngừng hoạt động, các cửa hàng chất đầy hàng hóa và những người thất nghiệp được khuyến khích đi làm. Sự phát triển là vượt bậc vì nó được bắt đầu từ điểm hầu như là ngừng trệ.

Riêng trong năm 1950, sản xuất công nghiệp tăng đến 25% và đến trước năm 1960 nó đã hơn gấp đôi. Số người đi làm đã tăng từ 13,8 triệu lên 19,8 triệu và tỷ lệ thất nghiệp giảm gần tới 0. Tiền lương tăng vọt và tăng tới 80% từ năm 1950 đến 1955. Ngoài ra, những cải cách xã hội như quyền có việc làm và bảo hiểm nhà nước về sức khoẻ được han hành. Những cải cách đó vẫn là cơ sở của hệ thống phúc lợi của nước Đức ngày nay.

Phép màu kinh tế (Wirtschaftswunder) của những năm 1950 vẫn là một trong những bước nhảy vọt lớn nhất được thực hiện ở một nước, và nó tạo dựng vị thế của nước Đức như một nước công nghiệp hàng đầu trong các thập kỷ tiếp theo.

 

Phục hồi vững chắc

Trong những năm 1960, sự tăng trưởng kinh tế của Tây Đức đã chậm lại. Đó một phần là do không thể duy trì được tốc độ của thời gian đầu, một phần vì nó đòi hỏi một lực lượng lao động mà trong nước không thể cung cấp, đặc biệt là khi Bức tường Berlin ngăn không cho nhân công từ Đông Đức vượt sang. Việc nhập khẩu các “công nhân khách” nước ngoài (Gastarbeiter) do đó được khuyến khích và con số đã tăng lên rất nhiều.

Một nền tảng công nghiệp

Di sản của những năm 1950 là một nền tảng kinh tế dựa trên công nghiệp nặng như sản xuất than và thép. Đó là động cơ thúc đẩy những ngành công nghiệp chủ yếu khác như là chế tạo xe hơi và sản xuất hàng tiêu dùng. Mặc dù các ngành công nghiệp lớn được phân bố hợp lý khắp đất nước, nhưng vùng Ruhr vẫn là vùng tập trung chủ yếu của công nghiệp nặng. Những khu công nghiệp quan trọng mọc lên dọc theo các lưu vực sông Rhine, sông Main, sông Neckar, và trong tất cả các thành phố lớn.

  

Chính sách kinh tế mới

Sự phát triển chậm lại của nền kinh tế vào giữa những năm 1960 đã dẫn đến thay đổi bộ máy quản lý nhà nước và đưa đến một cách tiếp cận chính sách kinh tế khác. “Đại liên minh” mới được bầu cho rằng, thay vì để các lực lượng thị trường điều tiết nền kinh tế, chính chính phủ sẽ quyết định các khuynh hướng kinh tế. Một phần quan trọng của điều thần diệu về kinh tế là “thỏa ước xã hội” giữa người chủ và công nhân, theo đó nó khuyến khích việc kiềm chế lương trong thời kỳ khôi phục mà không phải tiến hành thương lượng tập thể và sự tham gia của nghiệp đoàn. Điều này đã trở thành nhân tố then chốt để Tây Đức tạo đủ việc làm vào đầu những năm 1970.

Cạnh tranh quốc tế

Vào những năm 1980, sản lượng công nghiệp của Tây Đức chỉ kém Mỹ và Nhật Bản, nhưng cũng vào thời gian này sự cạnh tranh quốc tế tăng lên. Các công ty lớn được sáp nhập, hình thành các công ty đa quốc gia và tác động của toàn cầu hoá lần đầu tiên đã được cảm nhận. Ngành công nghiệp xe hơi khổng lồ của Đức đã chịu thách thức từ phía Nhật Bản và cũng như ở các nước khác, các ngành công nghiệp truyền thống như than và thép bắt đầu giảm lực lượng lao động. Năm 1985, số nhân công trong ngành công nghiệp nặng của Đức chỉ còn một phần tư so với mức cao điểm năm 1957.

  

Thành công ở phía đông

Nền kinh tế do nhà nước điều hành của Đông Đức dù sao cũng đã luôn bảo đảm tạo đủ việc làm. Nó cũng tập trung lớn vào sản xuất công nghiệp. Vài năm trước thời điểm tái thống nhất, Đông Đức vẫn luôn được xếp vào hàng mười nước công nghiệp phát triển nhất của thế giới.

Một nền kinh tế được tái thống nhất

Vào thời điểm tái thống nhất, nền kinh tế của Tây Đức và Đông Đức nhìn chung rất giống nhau. Cả hai đều đã tập trung vào công nghiệp, đặc biệt và sản xuất máy công cụ, hoá chất, xe hơi và hàng hoá có độ chính xác cao, mặc dù xuất khẩu của hai nước đi theo những hướng trái ngược nhau (Tây Đức hướng về EU và Mỹ, còn Đông Đức hướng về khối xã hội chủ nghĩa). 

Tuy vậy, tháng 7 năm 1990, nền kinh tế của hai nước đã nhập làm một. Lần đầu tiên trong lịch sử cớ việc một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa sáp nhập với một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Những vấn đề không thể tiên liệu lập tức nảy sinh, trong đó khắc nghiệt nhất là vấn đề năng suất tương đối kém của Đông Đức trước dây và những liên quan chặt chẽ của nó với những nền kinh tế đang sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu.

 

 

Xây dựng lại Đông Đức

Chính phủ Tây Đức đã tiến hành các biện pháp nhằm điều chỉnh nền kinh tế Đông Đức và đến cuối năm 1994, khoảng 14.000 công ty đã được tư nhân hoá. Đồng mác Đông Đức không thể chuyển đổi được và không có giá trị quốc tế đã được đổi sang đồng Mác Đức (Deutschmark) đầy sức mạnh trên cơ sở một đổi một, nhưng điều này có nghĩa là giá trị tiền lương của Đông Đức đã tăng quá lớn so với năng suất. Việc làm đã không còn đủ cho tất cả số công nhân và nạn thất nghiệp không chỉ lần đầu tiên xuất hiện, mà còn tăng lên với mức độ rất cao.

Những nhà đầu tư tiềm năng đã rất nản chí do sự không rõ ràng trong các chính sách về quyền làm chủ hợp pháp đất đai và tài sản, và do hạ tầng cơ sở yếu kém của Đông Đức. Ngoài ra, nhiều trạm điện buộc phải ngừng hoạt động vì lý do an toàn dẫn đến sự thiếu hụt năng lượng. Các khu công nghiệp bị ô nhiễm nặng, cần có nguồn tài chính đáng kể để làm sạch đường bộ và đường sắt được bảo quản kém đến mức gần như chúng phải được xây dựng lại, còn các mạng viễn thông đã lạc hậu quá mức. Do đó, không ngạc nhiên là mặc dù việc tái thống nhất đất nước đã mở ra những thị trường nội địa mới cho các công ty của Tây Đức, nhưng đa số đã chọn hướng mở rộng những nhà máy đang hoạt động của mình ở phương Tây.

  

Tài trợ công cộng

Do không sẵn có nguồn tài chính tư nhân để duy trì nền kinh tế ở Đông Đức trước đây, chính phủ đã rót đến hơn 100 tỷ bảng Anh từ ngân sách cho công cuộc tái thiết Đông Đức trong 3 năm đầu sau khi tái thống nhất, và tiếp tục ở mức 50 tỷ bảng mỗi năm sau đó. Nó được tài trợ một phần bởi “Thuế đoàn kết”, một bổn phận được ấn định cho tất cả những người Đức đóng thuế, để giúp đỡ xây dựng lại miền Đông. Mặc dù vậy, nền kinh tế phía đông vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và hiện lực lượng lao động vẫn đang có chiều hướng đều đặn đi sang miền tây để tìm kiếm những cơ hội việc làm tốt hơn.

Kinh tế và công nghiệp ngày nay

Mặc dù là một trong những nền kinh tế lớn của thế giới, nước Đức vẫn chịu những tác động nhất định từ chính việc tái thống nhất và những biến đổi của thương mại và công nghiệp toàn cầu. Chính phủ đã tăng thuế và nhiều ngành công nghiệp đã quốc hữu hoá (như đường sắt và viễn thông) để kêu gọi đầu tư tư nhân. Nhưng kinh tế toàn cầu hóa có nghĩa là sản xuất thường sẽ dồn chuyển đến những nước, những khu vực có giá lao động rẻ hơn và có ít sự điều chỉnh hơn.

Công nhân Đức theo truyền thống, được bảo hiểm nghề nghiệp, được trả lương tốt và  có những điều kiện làm việc tốt cùng với chính sách phúc lợi xã hội hào phóng (một di sản của hiệp ước xã hội của những năm 1950) (xem trang 35). Những điều này hiện đang có nguy cơ bị thay đổi khi những luật lao động mới được ban hành và hệ thống hảo hiểm xã hội được cơ cấu lại. Tuy nhiên, nước Đức có một kỷ lục nổi bật về quan hệ lao động và nó cũng lại bắt nguồn từ hiệp ước xã hội. Ở Đức, số ngày trung bình bị mất do công nhân đình công, tính cho một công nhân/năm, là 2 ngày, trong thời gian 5 năm, so với 22 ngày ở Anh.

Mức độ thất nghiệp ở Đức vẫn còn cao. Trong quý 1 năm 2003, gần 4 triệu người (9,3% số lao động) không có việc làm. Trong khi đó tồn tại một nghịch lý và có sự thiếu hụt lao động nghiêm trọng trong một số ngành, như trong ngành công nghệ cao IT và công việc coi sóc nhà cửa. Vấn đề này đang được xử lý bằng cách cấp các bìa xanh (giấy phép làm việc), cho phép những chuyên gia từ các nước khác đến cư trú và làm việc tại Đức.

  

Các xu hướng thay đổi

Thị trường lao động đã thay đổi hoàn toàn trong 10 năm gần đây vì khuynh hướng lao động rời bỏ ngành công nghiệp nặng và các ngành sản xuất. Từ những năm 1990 và đến năm 2000, số lao động trong ngành khai thác mỏ giảm hơn một nửa, làm cho ngành công nghiệp này chỉ còn 1/12 so với quy mô của nó trong những năm 1950. Mặt khác, những công việc mới đang được đều đặn tạo ra. Từ những năm 1989, hơn 1,5 triệu việc làm mới đã được tạo ra trong lĩnh vực dịch vụ như là công nghệ thông tin, tư vấn, tiếp thị, các dịch vụ khách hàng, giải trí và du lịch.

Điều này cũng được phản ánh qua sự bùng nổ đầu tư mới trong kinh doanh và xu hướng tự kinh doanh, với hơn 4 triệu người (xấp xỉ 10% lực lượng lao động Đức) hiện nay đang làm việc cho chính mình. Đó cũng là biểu hiện của việc mọi người đang trở nên năng động hơn chuyển đến những vùng có cơ hội việc làm tốt hơn), linh hoạt hơn (những giờ làm việc không tạo thành một ngày làm việc “thông thường”) và thậm chí tiến hành hai hay nhiều việc cùng một lúc.

  

 

Các đối tác thương mại của Đức ngày nay chủ yếu là trong Liên minh châu Âu và Mỹ. Năm 2002, Đức duy trì được số dư (lợi nhuận) thương mại rất lớn, nhưng sản xuất công nghiệp thực sự giảm vì vẫn còn chịu gánh nặng của việc xây dựng lại đất nước sau khi tái thống nhất.

  

Ich – AG (một cách thoát khỏi thất nghiệp)

Với khoảng 4 triệu người Đức không có việc làm, năm 2003, chính phủ đã đưa ra một chương trình mới để lôi kéo mọi người trở lại làm việc. Tên của nó là “Tôi – Công ty cổ phần” (Ich – AG).

Một trong những ý tưởng lôi cuốn của chương trình là tự kinh doanh. Chính phủ đang đề ra những khuyến khích về tài chính cho những ai muốn mở công ty riêng. Nếu một công ty mới hình thành có lợi nhuận hàng năm ít hơn 25.000 euro, nó sẽ nhận được phần tài chính hỗ trợ hàng tháng của nhà nước. Trong năm đầu, mức hỗ trợ là 600 euro hàng tháng, năm thứ hai là 360 euro và đến năm thứ ba là 240 euro. Để nhận được tiền của nhà nước, cá nhân kinh doanh mới (Existenzgrunder) phải gửi tiền vào một hệ thống trả lương hưu và y tế.

Một số người nghĩ đây là một chiến lược tốt để giảm thất nghiệp. Số khác cho rằng sự giúp đỡ của nhà nước là chưa đủ. Chỉ khi nào người ta quan tâm sử dụng hệ thống này và kết quả cho thấy trợ cấp nhà nước có thể hỗ trợ đắc lực cho thành công thì khi đó chương trình mới có thể được đánh giá một cách đúng đắn.

VA

Posted by Việt Anh