VƯƠNG LIÊM
Trong lịch sử bảo vệ đất nước chống ngoại xâm, dân tộc Việt Nam có nhiều trận chiến nổi tiếng diễn ra trên sông gọi “Thủy chiến”. Có bốn trận thủy chiến oanh liệt vang danh thế trên sông và làm khiếp đảm quân thù xâm lược.
1-Trận thủy chiến Bạch Đằng lần thứ nhất diễn ra cuối năm 938 do tướng Ngô Quyền chỉ huy. Trung Quốc thời kỳ ấy là Ngũ đại Thập quốc – năm đời mười nước – phân chia thành 5 nước ở phía Bắc, 5 nước ở phía Nam. Nam Hán ngự trị vùng đất thuộc các tỉnh phía Nam Trung Quốc ở sát biên giới nước ta. Từ năm 111 trước Tây lịch, nước ta luôn bị các triều đình phương Bắc chiếm đóng (gọi là Bắc thuộc) nhưng luôn có nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân từ nhà Tùy tới nhà Đường (chống lại chính sách thâm độc “Dĩ Di công Di” – dùng người man di đánh người man di – Việt) từ hai nữ anh hùng Bà Trưng (40-43) tới Phùng Hưng (766-779), Bố cái đại vương (783-791), Dương Thanh (819-829) v.v…tiếp nối nhau lật đổ chính quyền đô hộ phương Bắc giành quyền tự chủ, đổi tên An Nam thành Đại Cồ Việt kéo dài được 25 năm.
Tới phiên nhà Nam Hán cũng không từ bỏ mộng cai trị dân Việt lại đưa quân sang xâm chiếm nhằm lập lại chính quyền đô hộ cũ mà tướng bị tướng Dương Diên Nghệ vừa lật đổ lần nữa. Triều đình Nam Hán cử thái tử Lưu Hoằng Tháo nhỏ tuổi hung hăng dẫn đầu và vua Nam Hán hộ tống đóng đại quân ở biên giới chờ sang cướp nước. Tướng Ngô Quyền thuộc hạ (con rể) của Dương Diên Nghệ đang đóng quân ở vùng Ái Châu – Thanh Hóa nhanh chóng tiến ra Bắc lập phòng tuyến ngăn giặc từ biên giới biển và lần đầu trong lịch sử chống ngoại xâm, dân quân nước ta đã lập mặt trận trên sông Bạch Đằng gần cửa biển Đông (vịnh Hạ Long) nhận chìm đoàn binh thuyền xâm lược cả xác người lẫn thuyền bè bằng chiến thuật dụ địch lọt vào bãi cọc gỗ đóng dưới lòng sông.
Chính Ngô Quyền là vị anh hùng nhân dân thời ấy đã đánh tan mộng xâm lược của các triều đình phương Bắc với trận chiến trên sông dành lại độc lập cho nước nhà, châm dứt cuộc chiếm đóng trên ngàn năm Bắc thuộc (111 trước Tây lịch – 938 sau Tây lịch).
2-Trận thủy chiến trên sông Như Nguyệt vào tháng 3 năm 1077. Khởi đầu, đời vua cuối nhà Lý nước ta là Lý Nhân Tông 7 tuổi lên nối ngôi, Nhà Tống coi thường triều đình nên lại huy động quân nhiều nơi chuẩn bị sang xâm chiếm. Với cương vị Phụ quốc Thái úy, tướng Lý Thường Kiệt là người trực tiếp tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến này. Ông đề ra chiến lược “Tiến công để tự vệ” mở cuộc tập kích thẳng sang đất Tống để tiêu diệt trước căn cứ xâm lược của kẻ thù rồi nhanh chóng quay về bố trí phòng thủ đất nước. Mục tiêu của cuộc tấn công là phá hủy các trại biên giới của quân Tống, cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu và chủ yếu là thành Ung Châu đều thuộc thủ phủ Bằng Tường, Quảng Châu tỉnh Quảng Đông ngày nay. Ông huy động 10 vạn dân quân chia làm hai đạo : một đạo tập hợp các đồng bào dân tộc thiểu số bên nay biên giới nước ta kéo sang đánh các căn cứ địch sát sát biên giới bên kia. Đạo quân chủ lực của Lý Thường Kiệt tập trung ở vùng Móng Cái – Quảng Ninh dùng thuyền vượt biển đổ bộ lên chiếm lấy Khâm Châu, Liêm Châu rồi cùng phối hợp với đạo quân thứ nhất tấn công thành Ung Châu bất ngờ. Trong lúc đó, Lý Thường Kiệt ra sức vận động, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân địa phương Trung Quốc. Ông sai yết bảng khắp nơi, tuyên bố cho nhân dân tại đây biết rõ mục đích của cuộc tiến công là để tự vệ, để ngăn âm mưu xâm lược đã được chuẩn bị từ lâu của nhà Tống.
Ung Châu là một thành lũy kiên cố, trú đóng đông quân để chờ vượt biên giới sang nước ta. Hơn 43 ngày công phá rất dũng cảm và mưu trí, ngày 1/3/1076 quân ta chiếm được thành Ung Châu. Sau đó, quân ta rút về nước lo phòng bị để đón quân xâm lược. Tới tháng 10 năm này, nhà Tống mới củng cố xong lực lượng cho cuộc xâm lăng phục thù nhưng tinh thần chiến đấu đã bị sút giảm. Nhà Tống huy động 10 vạn bộ binh, một vạn con ngựa, 20 vạn dân phu và một đạo thủy binh. Lực lượng viễn chinh hùng hậu này do tướng Quách Quỳ chỉ huy. Nhà Tống còn đưa sứ giả sang vương quốc Chăm xúi giục phá rối biên giới phia Nam nước ta.
Trước áp lực lớn của đạo quân chủ lực địch, phòng tuyến phía Bắc ở Cao Bằng, Lạng Sơn của quân ta bị phá vỡ. Phòng tuyến thứ hai được tướng Lý Thường Kiệt xây dựng dọc theo bờ Nam sông Cầu thật kiên cố với kế hoạch quyết chiến quyết thắng. Địch dùng bè gỗ sang sông với hàng hàng lớp lớp quân thủy bộ mhưng bị tan rã, một phần do sức chiến đấu dũng mãnh của quân ta đã chuẩn bị tinh thần, vật chất sẵn sàng quyết thắng, phần khác do bài thơ sau đây được phố biến như một bài văn binh vận – tâm lý chiến (sau này gọi là bản Tuyên độc lập lần thứ nhất) đã làm cho cả đạo quân của địch phải dao động lần hồi từ bỏ vũ khí, rời hàng ngũ nhanh chóng, chạy về nước.
Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Trận chiến trên sông Như Nguyệt (sông Cầu) kết thúc nhanh chóng theo chủ trương đầy mưu lược của Lý Thường Kiệt là “Không nhọc tướng tá, khỏi tốn xương máu mà lại bảo toàn được tôn miếu”.(Lịch sử Việt Nam tập 1, NXB Khoa học Xã hội – 1971, trang 178).
3-Trận thủy chiến Bạch Đằng thứ hai diễn ra vào năm 1288 do tướng Trần Quốc Tuấn Hưng Đạo đại vương chỉ huy liên tiếp ba lần chống quân xâm lược Nguyên – Mông. Tháng 1/1285, sau khi hoàn thành chiếm đóng toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc, quân Nguyên hung hãn đưa quân sang xâm chiếm nước ta dưới đời Trần Thái Tông. Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên đầu tiên thắng lợi. Đội quân hùng mạnh của giặc gặp phải sức chiến đấu kiên cường của quân dân ta.
Tới tháng 5/1258, giặc Nguyên lại đưa quân sang phục thù. Với Hội nghị Diên Hồng, vua tôi nhà Trần được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước nên nhanh đẩy lùi cuộc xâm lăng lần thứ hai. Tháng 12/1287, quân Nguyên (Mông cổ đổi tên) lại hùng hổ tổ chức ba đạo quân hùng mạnh từ ba phía tiến sang nước ta (từ Vân Nam, từ Lạng Sơn theo đường bộ và từ đường thủy vào cửa sông Hồng. Tướng Trần Quốc Tuấn lập kế hoạch tổ chức cuộc chiến đánh giặc đại quy mô trên đoạn sông Bạch Đằng học theo kinh nghiệm cũ, đã chôn vùi đạo quân thủy của tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp. Các đạo quân xâm lăng khác đều rút chạy tơi tả về nước. Cuộc xâm lược của nhà Nguyên cả ba lần đều bị đập tan.
-Trận thủy chiến trên sông Tiền Giang tại Rạch Gầm – Xoài Mút cuối tháng 01 năm 1785. Với mưa đồ giúp chúa Nguyễn Gia Long khôi phục ngai vàng, quân Xiêm đã theo hai đường sang xâm chiếm nước ta ở phía Nam : tới Gia Định rồi xuống Mỹ Tho phối hợp với đạo quân thứ hai tiến sang từ ngã An Giang – Châu Đốc để đánh phá đồng bằng sông Cửu Long. Từ Quy Nhơn, tướng Nguyễn Huệ anh hùng áo vải đất Tây Sơn cùng với hai người anh Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ sau khi tổ chức cuộc khởi nghĩa thành công đánh đuổi vương triều Nguyễn chạy trốn vào Nam, nghe tin báo có quân ngoại xâm Xiêm, lập tức đưa lực lượng thủy binh vào Mỹ Tho. Nguyễn Huệ nghiên cứu nhanh lập trận địa chiến đấu với quân Xiêm ở vùng sông nước Rạch Gầm – Xoài Mút, hai nhánh sông nhỏ của Tiền Giang. Trận địa mai phục của ta có sử dụng pháo (máy bắn đá kiểu châu Âu ?) làm hốt hoảng quân địch dẫn đến trận thủy chiến ác liệt giữa ta và địch. Trận thủy chiến lừng lẫy này đã tiêu diệt 4 vạn quân Xiêm và đốt phá toàn bộ thuyền tàu của địch trên sông Tiền.
Ở trên là bốn trận thủy chiến trên sông từ Bắc tới Nam của nhân dân Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Trận nào cũng do ta chủ động bố trí trận địa rồi dẫn dắt quân địch lọt vào thế trận của nhân dân do các anh hùng hào kiệt, tướng lĩnh tài ba của triều đình đương thời chỉ huy. Và trận nào, quân thù cũng bị thất bại và bị tiêu diệt.
Thế nhưng, nước ta không chỉ đánh kẻ thù xâm lược trên sông mà còn đánh cả trên đất liền do địch chủ động bày binh khiêu khích. Trong thời kỳ mới, văn minh khoa học phát triển, phương tiện chiến tranh đổi mới hiện đại trang bị cho cả hải lục không quân với xe cơ giới, pháo súng, họa tiễn các loại, với máy bay, tàu chiến xuất phát từ phương Tây khiến cho các nước tư bản, thực dân thèm khát đi tìm đất thuộc địa mới, chiếm hữu lao động, khai thác tài nguyên, thu gom tiền của đem về nước để làm giàu. Việt Nam bị thực dân Pháp xâm chiếm làm thuộc địa từ năm 1858 tương tự như các triều đại phong kiến phương Bắc đô hộ ngàn năm và sau đó khi đất nước ta đã tự chủ, giành lại độc lập thì chúng vẫn tiếp tục đem quân sang xâm chiếm mong lập lại chế độ cai trị như trước đây nên đã bị nhân dân ta chống lại bằng các trận đánh ác liệt, dũng cảm, mưu trí tiêu diệt và đẩy lùi bất cứ chiến thuật nào, trong đó nổi bật những trận thủy chiến mà ta chủ động bố trí, mai phục rồi tiến công tiêu diệt, như một số trận trên sông như đã nói ở trên.
Sang thời kỳ mới, với sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, chính quyền nhân dân đã được thiết lập, toàn dân được đoàn kết làm ra sức mạnh tổng hợp nên quân đội và nhân dân hợp lực chiến đấu giành lại từng phần đất nước, tự hào với cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, lật đổ sự thống trị của thực dân và tay sai, trong đó diễn ra nhiều chiến dịch do ta chủ động mở ra, có trận đánh nổi tiếng làm cho quân thù phải chịu đầu hàng, rút quân về nước, xóa sổ sự chiếm đóng cai trị vô cớ, trái phép.
Quân dân ta có những trận đánh nổi tiếng làm chấn động toàn cầu, quân thù khiếp sợ chịu phép rút khỏi nước ta, không kém gì những trận đánh thời trước.
5-Trận Điện Biên Phủ (trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954) trên bộ và người tổng chỉ huy là tướng Võ Nguyên Giáp – một tướng lĩnh anh hùng trong thời kỳ mới : chiến tranh với thực dân Pháp cấu kết với nhiều nước đế quốc hùng mạnh Anh, Mỹ…đang cai trị Đông Dương là cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và đất nước vĩ đại nhất từ xưa tới nay. Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ, bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, xứng đáng “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng (như trên đã nói), một Chi Lăng (trong cuộc kháng chiến 10 năm (1427) của Bình Định Vương Lê Lợi giải phóng ách thống trị nhà Minh – Trung Quốc, một Đống Đa (Thăng Long – Hà Nội) của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ (đầu năm 1789) trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.(Lịch sử Viêt Nam 1945-1954, NXB Giáo Dục, trang 59).
Chiến thắng Điện Biên Phủ dẫn đến Hiệp định Geneve lập lại hòa bình ở Đông Dương và Triều Tiên với tham dự của Pháp, Anh, Mỹ, Trung Quốc đồng thời chấm dứt sự chiếm đóng gần 80 năm của Pháp. Nhưng sau đó, đế quốc Mỹ nhảy vào chiếm đóng miền Nam Việt Nam lập chính quyền tay sai suốt 20 năm, rồi buộc phải rút lui theo hiệp định Paris. Nhưng phải đợi đến chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4 năm 1975 thắng lợi (Chiến thắng 30/4/1975) dẫn đến thống nhất đất nước thì Việt Nam mới độc lập hoàn toàn. Nhưng rồi các diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch vẫn tiêp tục phá hoại Việt Nam. Trong đó, nước lớn anh em từ lâu vẫn tưởng như “láng diềng gần” cố gắng tránh cảnh đau lòng “môi hở răng lạnh”. Một Hoàng Sa bị chiếm đóng ngang xương. Tới lấn chiếm một biển Đông bằng đặt trộm dàn khoan mưu toan ăn cắp dầu khí dưới thềm lục địa Việt Nam, giành quyền kiểm soát giao thương quốc tế, gây ra sóng gió bão giông…dân dần trở thành một trận chiến không tuyên bố đang mở ra từ một phía của kẻ mạnh…đã khiến cho mọi người vỡ mộng về sự hợp nhất, liên kết khu vực Á – Âu, Nam – Bắc.
6- Điện Biên Phủ trên không : Sau trận Điện Biên Phủ địa chiến lẫy lừng nói ở trên đã cho thấy nhân dân Việt Nam đánh bại một thực dân lớn là Pháp tiêu diệt 16.000 địch trong đó có một thiếu tướng, hạ 62 phi cơ, thu toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng … trong vòng chỉ hơn một tháng (13/3/1954-7/5/1954), kết quả là một tập đoàn cứ điểm hùng mạnh do tướng De Castrie chỉ huy và bày binh bố trận tuyên chiến với quân đội VNDCCH do tướng Võ Nguyên Giáp làm tổng tư lệnh nhưng đã nhanh chóng tan vỡ và chính ông ta đã bị bắt tại hầm chỉ huy, lại đến một trận chiến khác trong thời kỳ mới là nhân dân Việt Nam lại phải đương đầu với một đế quốc hùng mạnh, với vũ khí tối tân và các phương tiện chiến tranh hiện đại khác, đã ồ ạt tấn công bằng không lực bắn phá, ném bom hầu hết các nơi trên mặt đất, trên biển, dưới hầm nhằm tiêu diệt sạch người và của, đã hùng hổ tuyên bố công khai trên thế giới là “sẽ đưa đất nước Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá” (?) nên trận tập kích của không quân Hoa Kỳ đã diễn ra trên không phận miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ đang ra sức xây dựng nền kinh tế – xã hội. Do đó, dân quân Việt Nam bắt buộc phải tổ chức kháng chiến trên không để bảo vệ Tổ quốc.
Điện Biên Phủ trên không diễn ra ngay trên bầu trời thủ đô Hà Nội vào đêm 18/12/1972. Đây là cuộc tập kích chiến lược quy mô của không quân Mỹ từ bầu trời Hà Nội lan ra Hải Phòng và các tỉnh lân cận trên miền Bắc Việt Nam. Nhưng chỉ trong 12 ngày đêm của các đợt tập kích, ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ (34 B52, 5 F111), bắt sống 44 phi công. Cả thế giới coi trận chiến đập tan cuộc tập kích chiến lược B52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng như là trận “Điện Biên Phủ trên không” đối với đế quốc Mỹ xâm lược, trong thời kỳ tiếp nối sau Thế chiến lần thứ II (1939-1945).
Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an ra đời nhằm ngăn cản một cuộc thế chiến thứ III. Việt Nam nhanh chóng trở thành một thành viên tích cực của hai tổ chức quốc tế này với mong muốn là bạn với mọi quốc gia để hợp tác xây dựng đất nước và giữ gìn hòa bình thế giới và ngay cả cho mình, trong đó có cả Pháp, Hoa Kỳ (từng đối đầu trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam) đã là bạn của Việt Nam trong xây dựng và phát triển kinh tế với hai bên đều có lợi trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên như đã nói ở trên, Trung Quốc là bạn truyền thống “răng hở môi lạnh” của Việt Nam, nhân dân hai nước là hữu nghị, hai đảng Cộng sản là anh em nhưng nước lớn bạn lại có những mưu đồ, thái độ và hành động không thiện chí, không biết điều, biết phải, luôn gây ra nhiều vụ việc chiếm đóng trái phép như Hoàng Sa, biển Đông (theo quy định quốc tế) thuộc chủ quyền Việt Nam từ lâu đời.
7-Trận Điện Biên Phủ trên biển Đông : Trong hơn một tháng (từ đầu tháng 5/2014 tới nay). Trung Quốc đã dàn trận trên biển Đông với một lực lượng hùng mạnh gồm nhiều máy bay (trực thăng, trinh sát lẫn chiến đấu), hàng trăm tàu biển hiện đại gồm có đội hải giám, kiểm ngư, vòi ròng, tàu chiến trang bị vũ khí hiện đại phòng không kể cả họa tiễn các loại, lại thêm tàu ngầm … nhiều tàu đánh cá lớn.
Tất cả lực lượng chiến đấu và không chiến đấu nói trên xuất hiện trái phép là nhằm đưa và bảo vệ dàn khoan trái phép vào đặt trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bất chấp luật lệ quốc tế và các hiệp định, tuyên bố về cách ứng xử các bên ở biển Đông (DOC) và lãnh đạo hai bên cấp cao Việt Nam – Trung Quốc đã thỏa thuận, ký kết.
Việc các lực lượng chiếm đóng biển Đông đặt dàn khoan ở một nước có chủ quyền như vậy chẳng khác nào hành động xâm lược trắng trợn. Hình ảnh khiêu khích, tấn công bằng vòi nước, ngăn chặn thô bạo và đâm đụng đối với các tàu thi hành pháp luật bảo vệ biên giới cảnh sát biển, tàu kiểm giám, tàu ngư dân đánh bắt cá của Việt Nam được các cơ quan thông tấn quốc tế ghi nhận và phản ảnh. Nhiều tàu bị hư hỏng, bị chìm, ngư dân bị thương tích…do các lực lượng có mặt tấn công liên tiếp nhiều ngày như vậy, đó là chiến tranh gây ra từ một phía của kẻ mạnh. Lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển, tàu đánh cá của chủ nhà tới gần thì lập tức bị lực lượng đối phương xâm lấn ngăn cản và tấn công ngay. Nhiều lúc lực lương này còn có hành động khiêu khích…như thể mời đối thủ của mình xông vào trận địa do mình bày sẵn.
Nhưng phía Việt Nam biết bình tĩnh, kiềm chế, tránh khiêu kích và hành động đáp trả. Đảng, Quốc hội, Nhà nước Việt Nam chủ trương bất bạo động và phản ảnh tình hình, trưng ra nhiều tư liệu cũ, mới xác lập chủ quyền ở Hoàng Sa và biển Đông từ lâu để thế giới biết, ủng hộ nước bị xâm phạm và phản đối kẻ hiếu chiến tới chiếm đóng. Đó là Việt Nam áp dụng chiến thuật lấy “Nhu” để thắng “Cương”. “Nhược” để thắng “Cương”.
Trung Quốc luôn thực hiện chủ trương tham vọng kiểu cũ : “Mưu bá đồ vương” khống chế thiên hạ và thời nào cũng áp dụng chính sách “Viễn giao, cận công”, với chiến lược “Duy chiến tranh”, “Duy quân đội” – “Có quân là có quyền”, “Chiến tranh xâm lược và chiếm đóng”.
Hiện thực cho thấy Trung Quốc chiếm biển Đông (còn đi xa hơn là tranh quyền kiểm soát biển Đông Nam Á bằng đường lưỡi bò kỳ quặc) hơn cả tháng nay bằng tàu chiến, máy bay và luôn ngăn chặn ngư dân đánh bắt cá và luôn khiêu khích các tàu thi hành pháp luật của Việt Nam chẳng khác nào tuyên bố chiến tranh với Việt Nam hoặc dàn trận hải chiến để đánh phá và tiêu diệt. Binh thư Tôn Tử đã dạy các trận đồ như vậy cho các nhà lãnh đạo hiếu chiến để đánh đổ kẻ đối đầu, chinh phục hay các cứ các khu vực. Cách thức bày binh bố trận hiện nay trên biển Đông nhằm hai mục đích kinh tế và quân sự thật rõ ràng, không giấu giếm. Lực lượng bố trận này còn áp dụng chiến thuật “Giương Đông kích Tây”, “Chỉ Tề phạt Ngụy”…cứ đưa tàu chiến đi lòng vòng trong khu vực đặt dàn khoan hoặc luôn di chuyển dàn khoan để thăm dò dầu khí đồng thời “nhử” lực lượng Việt Nam đang có mặt nhảy vòng chiến. Mặt khác, trận địa này chỉ là “trận giả” tạo ra để thu hút phía Việt Nam vào đây và có thể đã biết chủ trương của Việt Nam là kiềm chế, không gây chiến nhưng hậu quả là bị thu hút và luôn đeo bám dàn khoan mà quên đi một “trận địa” mới đang mở ra ở bên cạnh quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đó là có một lực lượng khác của Trung Quốc vừa chiếm đóng vừa xây dựng hạ tầng đảo Gạc – Ma.
Trận địa âm thầm “bày binh bố trận” này có liên kết với trận “dụ hay khiêu chiến” trên biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam hay tạo ra “trận giả” và trận “Gạc-Ma” mới là trận chiến thật sự nhưng âm thầm và được che đậy khéo léo, theo kiểu “Bất chiến tự nhiên thành” trong một thời gian ngắn. Đó mới là mục tiêu chính của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Hơn nữa, theo chiến thuật xâm lấn Việt Nam từ ngày xưa của các triều đại phong kiến phương Bắc, mỗi lần điều động lực lượng quân sự xâm nhâp Việt Nam thì luôn có lực lượng dự bị tập trung gần sát biên giới để ứng phó kịp thời tiếp viện khi bị thất bại. Ngày nay, chiến thuật này vẫn được áp dụng để đưa đối địch vào tình thế “Lưỡng đầu thọ địch”.
Như vậy, toàn bộ sự điều động binh lực đủ chủng loại và có trang bị vũ khí hiện đại của Trung Quốc ở biển Đông có tính cách tổ chức một mặt trận hải chiến với Việt Nam nếu như Việt Nam không bình tĩnh, không biết kiềm chế thì mặt trận này lập tức biến hóa thành một mặt trận hải chiến thật sự rộng lớn mà hậu quả chưa biết như thế nào !
Cuộc chiến trong thời kỳ mới công nghệ thông tin, ngoài thể hiện bằng súng đạn bắn giết nhau trên mặt trận hay bấm nút từ xa, còn có trận chiến trên mạng và trận chiến ngoại giao. Tô Tần và Trương Nghi đời nhà Tần – Trung Quốc là hai nhà ngoại giao – quân sự tầm cỡ đã đi các nước thuyết phục theo chiến lược “liên kết dọc – ngang” để bao vây và tấn công kẻ địch hoặc với mục đích ly gián và cô lập.
Nhưng ngày nay, có tổ chức LHQ, Hội Bảo an và nhân dân tiến bộ thế giới, nhiều nước bị xâm lấn đều theo cách hành xử của Tô Tần, Trương Nghi với mục đích lấy “Nhu thắng Cương” và “Nhược thắng cường”. Mặt trận ngoại giao của nước ta đang diễn ra là dư luận thế giới đã lên tiếng với ta, ủng hộ và đồng tình với cách hành xử, đối phó “Kiềm chế” của nước ta. Tất cả tình hình cho thấy “Trận hải chiến” trên biển Đông, đối với kẻ gây chiến mưu đồ của Trung Quốc bày ra vùa giả vừa thật, nếu đụng đầu bằng súng đạn thì nó sẽ biến hóa, chuyển động “thành “thật” đưa đến hậu quả khó lường. Còn đối ta, mặt trận ngoại giao đang diễn ra khắp các nơi trên thế giới thay cho đụng đầu ở trận hải chiến mà Trung Quốc đang chờ đợi và giương bẫy. Trận chiến trong thời kỳ mới có thể không diễn ra như trận đánh quy ước truyền thống bắn phá và sát hại nhau trên chiến trường mà biến chuyển theo nhiều kiểu dưới nhiều hình thức khác nhau. Mặt trận ngoại giao được coi là một mặt trận kiểu mới, đánh phá bằng dư luận, bằng tuyên truyền, vận động.
Như vậy, trận hải chiến hay Điện Biên Phủ trên biển Đông trên thềm lục địa Việt Nam đang xảy ra hàng ngày với sự đối mặt gây hấn của Trung Quốc luôn sẵn sàng nổ súng tiêu diệt ta nhưng ta kiềm chế để chuyển sang mặt trận ngoại giao và đang được thế giới ủng hộ bằng nhiều hình thức. Do ta dùng chiến thuật “Nhu” để thắng “Cương” và “Nhược” để thắng “Cường” song song với mặt trận ngoại giao “tất thắng” vì Việt Nam có lẽ phải và biết phải. Nhưng ta tuyệt đối không dùng chính sách “Dĩ hòa vi quý” của đạo Nho hồ đồ để bất lợi. Trận hải chiến này chỉ kết thúc sau khi LHQ và Hội đồng Bảo an lên tiếng giải quyết và theo phán quyết của Tòa án quốc tế. Do đó, ta phải kiên trì.
Trước mắt, Việt Nam đã thắng với trận hải chiến trên biển Đông của mình. Trung Quốc đem lực lượng quân sự tới nhưng không gặp một đối kháng bằng quân sự nào mà chỉ bằng kêu gọi, tuyên truyền, vận động, giải thích lẻ phải và chủ quyền Việt Nam. Hơn một tháng qua, không đụng đầu bằng quân sự là ta đã thắng. Kẻ thù sẵn sàng, chờ đợi mệt mỏi để nố súng tiêu diệt mà không thành công là thất bại. Tổn hại lớn nhất của Trung Quốc trên trường quốc tế là bị tai tiếng (uy tín) vì vi phạm luật pháp và các cam kết quốc tế, thế giới thấy rõ hành động và âm mưu bất chính là xâm lăng kinh tế va chiếm đóng biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam, hơn nữa nhân nhân tiến bộ thế giới và nhân tiến bộ Trung Quốc biết nhận thức đâu là sự thật, đâu là sự giả dối với tuyên bố của Trung Quốc là : “Một nước Trung Hoa XHCN hiện đại hóa giàu mạnh, dân chủ, văn minh”.
Mở mặt trận khiêu khích “hải chiến” như hiện nay là không văn minh, không tiến bộ với hành động và mưu đồ ăn hiếp nước nhỏ anh em.
VƯƠNG LIÊM
. @ Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ SàiGòn ngày 16.6.2014.