Nhìn

 

Featured Image: Jill Ferry

 “Ngày xưa rất xưa, khi mà con người còn rất đơn thuần, ở ngôi làng nọ có một chàng trai vô cùng tốt bụng, anh ta chăm chỉ làm việc và hay giúp người nên tiếng lành đồn xa, khi dành dụm được một số tiền, anh bắt đầu mở ra kinh doanh. Bởi bản tính tốt bụng mà anh được mọi người tin tưởng, công việc càng trở nên khấm khá, càng giàu có hơn thì anh càng giúp nhiều người hơn và rất được kính trọng.

Anh lập gia đình rồi có một con trai, bằng sự dư dã về vật chất nên người con được cho đi học cách kinh doanh ở thành thị. Rồi thời gian qua đi, vào cái ngày lìa đời anh đã gọi đứa con đến và bảo: ‘Cha tuy có rất nhiều tài sản nhưng thứ quý giá nhất cho con lúc này là một lời khuyên: hãy luôn giúp đỡ mọi người.’

Sau khi người cha chết thì đứa con đã thức thâu đêm để nghĩ về những lời ông nói. Bằng trí thông minh tuyệt vời và những gì được học, cậu đã khám phá ra rằng việc làm phúc bố thí sẽ kiến cho nhiều người tin tưởng. Với suy nghĩ đó, anh dùng số tiền mình có đầu tư vào việc làm từ thiện sao cho danh tiếng đạt được là lớn nhất, mang lại nguồn lợi nhiều nhất, và khi cảm thấy danh mình đã đủ, anh liền ngừng đầu tư vào việc đó.

Vì danh tiếng của anh và cha, có nhiều người đến nhờ vả nhưng đều họ nhận được là sự thờ ơ lạnh nhạt, họ kinh ngạc, họ tìm đến vị bô lão già nhất trong làng được cho là thông thái nhất để tìm lời giải đáp. Sau một hồi ngẫm nghĩ ông đã thốt lên rằng: ‘Thật đáng tiếc, chỉ vì những món lợi mà hình thức của lòng bác ái mang lại đã khiến đứa con của một người đạo đức trở nên sa đọa.’

Nhờ vào lời vị bô lão mà nhiều người nhận ra sự thật, nhưng trong số họ cũng có vài người thông minh, họ đã dùng cái bí quyết của người con để đến nơi khác làm ăn, và họ cũng rất thành công. Nhưng sau những thành công đó là sự phơi bày của sự thật. Con người trở nên nghi ngờ lẫn nhau để rồi cuối cùng không ai còn tin tưởng vào điều tốt nữa.” (Nguồn: Mắt Đời, hihi)

Ngày nay, khi bước chân vào các nhà sách, ta có thể tìm được hàng chục đến hàng trăm cuốn sách dạy người ta cách thành công trong mọi mặt của cuộc sống, đa số chúng đều dùng cái phương pháp mà người con trong câu chuyện đã dùng. “50 bí quyết để …” “99 điều cần tránh…” “bí quyết chinh phục tình yêu” “xyz việc cần làm để gia đình hạnh phúc”… Ở góc độ nào đó những quyển sách này rất lợi ích đối với ta, nhưng nếu quá dựa vào chúng, suy nghĩ theo chúng không sớm thì muộn ta sẽ trở nên thực dụng. với tôi một cuốn sách có giá trị khi nó bao hàm cả cái ý nghĩa phía sau những việc làm thực tiễn đó. Một thời tôi từng say mê chúng, nhưng sau đó tôi cảm thấy chán ngấy, tôi muốn đọc những điều sâu sắc hơn.

Bạn đã đọc câu chuyện về chàng Don Joan chưa? Anh ta quyến rũ các cô gái với cùng một công thức, những bó hoa đặt sẵn, những lá thư cùng một nội dung được chừa khoảng trống để chờ điền tên cô gái nào đó. những phương thức thông minh khiến tình nhân tự rời đi sau khi đã chán chê nàng. Hay những trường hợp kinh điển trong tình yêu, cô gái chọn chàng trai tặng chiếc Iphone chứ không chọn anh chàng tặng con gấu bông bằng cả tháng lương làm thêm của mình. Tôi không nói đến việc cô gái ham mê vật chất, tôi đang nói đến việc người ta thường đánh giá tình yêu qua giá trị của những món quà, những biểu hiện bề ngoài. Tất nhiên chưa chắc anh chàng nghèo khó yêu cô gái nhiều hơn anh kia. Nhưng để nhìn được đâu mới là tình yêu thật sự thì khó lắm thay.

Chính việc chuộng hình thức – xem nhẹ nội dung mà căn bệnh thành tích ở Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Báo cáo tài chính năm nào cũng lợi nhuận nhưng đùng một cái mắc nợ chục ngàn tỷ, số lượng giáo sư tiến sĩ hằng hà sa số nhưng được các tổ chức thế giới công nhận chất lượng thì chỉ từ 10 – 20%, nghèo như công nhân nhưng vẫn cố dành dụm để mua một chiếc di động hàng hiệu để được như mọi người, các vị COCC thì nay đổi xe này mai đổi xe kia để thể hiện mình là dân chơi thứ thiệt, trường học thì số học sinh giỏi năm sau cao hơn năm trước rồi cao đến nỗi nhìn đâu cũng toàn là học sinh giỏi cả, nói thật chứ nếu tính theo xếp loại trong học tập thì Việt Nam ta là dân tộc thông minh nhất thế giới.

Điểm số chính là thước đo năng lực của học sinh nhưng vì căn bệnh này là trở nên chẳng có giá trị gì mấy, nó giống như sự lạm phát của đồng tiền, để đạt được điểm số thì giáo viên dạy trước bài kiểm tra, học sinh bói bài, cấp trên đòi hỏi thành tích ở cấp dưới một cách ấu trĩ khiến người ta chỉ biết gian dối. Khi thước đo giá trị bị sai lệch thì ta lấy gì để đo đây? Có nhiều lúc tôi tự hỏi con người ta chạy theo những thành tích đó để làm gì? Để thể hiện mình? Để được khen ngợi? Để thấy mình giỏi? Nhưng thật ra tất cả họ đã sai rồi, người hiểu biết nhìn vào họ không khen đâu, họ đang cười đấy. Và cái cười đó còn đau gấp ngàn lần cái cười khi ta làm một việc kém cỏi. Vì giá trị một con người là ở nhận thức chứ không phải tri thức, tri thức là lượng còn nhận thức là chất.

Con người sống ở đời chỉ thật sự đi lên khi biết nhìn xa trông rộng, biết quý cái lợi ích lâu dài hơn cái trước mắt. Ví như bạn tôi, khi tiếp xúc khách hàng nó vẫn học và dùng các phương thức xã giao, nhưng mục tiêu của nó là biến họ thành những người bạn thân thật sự, có thể ban đầu chỉ là hình thức nhưng sau đó là sự quan tâm thật sự, cũng chính vì thế những công trình tốt luôn có phần nó. Hay trong tình yêu, các bí quyết chỉ nên mang tính tham khảo, cái cốt lõi vẫn là tình yêu, khi có tình yêu thì đừng nói là 99 cách hay 200 cách mà là hàng ngàn cách, trăm ngàn cách, triệu triệu cách để có được hạnh phúc. Nếu chúng ta chỉ học hình thức, chúng ta chỉ có hình thức đó, nếu chúng ta hiểu nội dung, chúng ta sẽ sáng tạo ra muôn vàn hình thức để phục vụ chính mình.

……

(Nói nhỏ một tí: thế tại sao nước ta đi trên con đường XHCN gần 40 năm mà vẫn còn chưa đến nơi? Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng trong đó có một nguyên nhân rất quan trọng, đó là vì cái chúng ta học được chỉ là hình thức, là lý thuyết, là suy luận của một nhà triết học người Đức – không phải người Việt. Khi ông ta chết đi thì cái triết thuyết đó cũng dừng lại, cái chúng ta dùng chỉ là sản phẩm (một sản phẩm cách đây hơn trăm năm), còn cái công nghệ để chế tạo ra sản phẩm đó thì không có.

Nếu nền triết học của ta như nước Đức thì ắt hẳn sẽ có người cải tiến và tiếp nối. bất cứ một tư tưởng nào cũng cần sự tiếp nối để phát triển, nếu không nó sẽ lỗi thời. Thật sự thì tôi cảm nhận được cái khó của các vị lãnh đạo, sự tiến thoái lưỡng nan, con đường nào mới là đúng?! Thường thì trong trường hợp này vài người sẽ chọn cách không làm gì cả và chờ. Nhưng thế giới có chờ chúng ta không?) 

Mắt Đời

Mắt Đời

Tác giả tích cực at Triết Học Đường Phố