Góp ý Dự thảo Luật An ninh mạng: Đối diện quyền con người

Khi một dự luật được soạn thảo và đưa ra bàn bạc ở Quốc hội, hẳn là các vị đại biểu của nhân dân cần thẩm định đầy đủ mọi khía cạnh nội dung, kỹ thuật, tính hợp hiến và sự thiết thực v.v. của dự luật, để quyết định thông qua, bác bỏ, hay phải bổ sung, sửa chữa những điều nào.

Đối với người dân vốn đa số không am hiểu đầy đủ về kỹ thuật lập pháp, phần lớn chỉ quan tâm đến phần thực tế nhất: đạo luật đó khi có hiệu lực sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình như thế nào?

Vì vậy, trong số nhiều nội dung được đề cập trong dự luật An ninh mạng đang được Quốc hội bàn bạc và dự kiến sẽ thông qua ngày mai 12.6, các nội dung liên quan đến phạm trù biểu đạt và bí mật đời tư trên không gian mạng thu hút mạnh mẽ sự chú ý của dư luận, là điều dễ hiểu.

Như lẽ thường, tinh thần của luật pháp là phải hướng đến việc xây dựng một hệ giao tiếp thuận lợi và an toàn nhất cho toàn thể công dân của đất nước. Mỗi bộ luật luôn phải bảo đảm tối đa cho người dân thực hiện những quyền đã được hiến pháp cho phép, chứ không phải nhằm thu hẹp lại để thuận tiện cho sự quản lý của nhà nước.

Những chế tài được quy định trong luật là căn cứ để các cơ quan hành pháp có công cụ ngăn chặn, điều chỉnh những hành vi lệch chuẩn. Và như thế, chúng phải được thể hiện cụ thể, rõ ràng và không thể hiểu khác. Sự diễn giải một điều luật, một khái niệm trong luật luôn phải ở một giới hạn biên độ tối thiểu để tránh sự quy chụp và lạm quyền của hành pháp.

Trên quan điểm đó, phải nhận xét rằng dự luật An ninh mạng chưa thể đáp ứng đòi hỏi của một bộ luật tiến bộ, đúng với “tinh thần hiến pháp”. Chẳng hạn như nội dung liên quan đến biểu đạt, đến điều chỉnh ngôn luận và bí mật nhân thân, mà dẫn chiếu với các nội dung tương ứng từ Hiến pháp (và các công ước quốc tế mà nhà nước Việt Nam đã phê chuẩn) thì có lệch chuẩn. Sự lệch chuẩn đối với Hiến pháp có thể nhận thấy tập trung vào Điều 26 của dự luật.

Khoản 2 điều này quy định như sau (trích):

“Cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên không gian mạng hoặc sở hữu hệ thống thông tin tại Việt Nam phải:

a) Thiết lập cơ chế xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản;

b) Xóa bỏ thông tin, ngăn chặn việc chia sẻ thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 15 của Luật này trên dịch vụ hoặc hệ thống thông tin do cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý chậm nhất là 24 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Thông tin và truyền thông; lưu vết liên quan để cung cấp cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng;

c) Không cung cấp hoặc ngừng cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, internet và các dịch vụ gia tăng cho tổ chức, cá nhân đăng tải trên không gian mạng thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 15 của Luật này khi có yêu cầu của lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ TT&TT”.

Chiếu theo điều luật nói trên thì công an và cơ quan quản lý thông tin truyền thông có thể theo dõi, giám sát, hình sự hóa việc phát ngôn, thu thập/ lưu trữ/ trao đổi thông tin… Và hơn thế nữa, xen vào mối quan hệ dân sự giữa công dân với các nhà cung cấp dịch vụ mạng. Theo đó, những nhà cung cấp dịch vụ mạng bắt buộc phải vi phạm thỏa thuận về bảo mật thông tin giữa mình với khách hàng (người dùng internet, mạng viễn thông…) để làm theo lệnh của cơ quan hành pháp.

Thay vì tạo một hành lang an toàn cho quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin của công dân, cơ quan hành pháp lại tự cho mình quyền can thiệp trực tiếp mà không cần sự phê chuẩn nào của tòa án hay viện kiểm sát. Điều này sẽ tạo kẽ hở lạm quyền của hành pháp, và đối diện với các cơ quan này, mỗi công dân khó có cơ may bảo vệ được quyền phát ngôn, quyền thu thập/ lưu trữ/ trao đổi thông tin, và quyền riêng tư tối thiểu khi tham gia không gian mạng.

Trong khi nước ta không có một tòa án hiến pháp (tòa bảo hiến) để phán quyết về mức độ hợp hiến của các đạo luật, Quốc hội phải là chốt chặn cuối cùng trước khi một bộ luật được ban hành, sao cho tinh thần của Hiến pháp luôn được tôn trọng và bảo vệ. Như thế, trước hết cần xem xét lại Điều 26 của dự luật An ninh mạng.

P.V

http://baoquangnam.vn/chinh-tri/201806/gop-y-du-thao-luat-an-ninh-mang-doi-dien-quyen-con-nguoi-798858/index.htm