Thảm hoạ cá chết nghĩ về phát triển kinh tế và vai trò của nhà nước trong xã hội

Featured Image: Owen Byrne1

Đã hơn 20 ngày xảy ra thảm hoạ biển nhiễm độc, cá chết hàng loạt, người dân điêu đứng vì mất kế sinh nhai ở miền trung, nhưng chính quyền vẫn mất hút như chưa từng tồn tại. Bên cạnh đó lại có hai luồng dư luận trái chiều nhau về phát triển kinh tế sau câu nói đanh thép của giám đốc đối ngoại Formosa HT về “cá hay thép”. Một bên xem phát triển thì cần phải có hy sinh, bên kia thì phát triển nhưng cần đảm bảo lợi ích chung. Bài viết này xin đề cập đến vai trò của chính quyền trong xã hội, qua đó tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: cách hành xử của chính quyền đối với thảm hoạ đang xảy ra có chấp nhận được hay không? Và chúng ta nên làm gì đối với một chính quyền như vậy? Cũng như bày tỏ quan điểm về vấn đề phát triển kinh tế có cần thiết phải hy sinh những điều khác hay không? Và tìm ra một giải pháp thích hợp cho phát triển kinh tế.

Vai trò của nhà nước trong xã hội

Chúng ta biết xã hội được tạo nên bởi rất nhiều mối quan hệ giữa con người với con người. Trong mạng lưới quan hệ chằng chịt này, tất sẽ có những mâu thuẫn về quan điểm, về lợi ích. Để không xảy ra những xung đột gây bất ổn cho toàn xã hội, tất cả chúng ta cần đến những quy tắc hành xử chung. Những quy tắc chung này được gọi là pháp luật. Tất cả những bộ luật về dân sự, hình sự, luật tố tụng, hôn nhân và gia đình đều phải giữa trên các quy tắc được viết trong Hiến Pháp. Và để pháp luật có hiệu quả trong xã hội, chúng ta cần đến nhà nước. Như vậy, nhà nước tồn tại là để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng của luật pháp, tức là để giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội, đảm bảo sự bình yên cho mọi người. Chúng ta quay trở lại thảm hoạ đang xảy ra ở miền trung, để xem nhà nước đã làm tròn trách nhiệm của mình mà xã hội giao phó chưa?

Thảm hoạ biển nhiễm độc, cá chết hàng loạt đã xảy ra được hơn 20 ngày, nhưng chính quyền đã làm được gì? Đối với tôi mà nói, khi thảm hoạ xảy ra được hai ba ngày chính quyền đã phải có ngay những giải pháp ngắn hạn để đối phó với nó. Họ phải lập tức cho người đến kiểm tra lý do vì sao cá chết? Đánh giá tình hình nếu nó là một thảm hoạ do thiên nhiên, hoặc do con người? Dựa vào việc phân tích các xác cá chết bất thường, họ có thể sẽ biết làm gì tiếp theo. Nếu xác định cá chết do chất độc, và chất độc này nguy huỷ tới tính mạng con người.

Họ một phải khoanh vùng chất độc đó trong các vùng biển và ra thông báo để người dân không ai được tắm biển nơi có chất độc lan toả. Hai là lập tức đưa ra những giải pháp để xử lý các xác cá trên bãi biển. Ngăn cấm người dân thu mua, cũng như ăn cá bị tình nghi là chết do độc tố. Bên cạnh đó, họ phải lập tức đưa ra những giả thuyết có cơ sở khoa học về nguyên nhân thật sự khiến biển nhiễm độc. Nếu là thiên nhiên thì phải có những biện pháp nào, cần đến sự trợ giúp quốc tế như thế nào? Nếu là con người phải nhanh chóng khoanh vùng đối tượng để có thể có những biện pháp kịp thời và hợp lý. Ví dụ nếu tình nghi Formosa, lập tức phải cho ngay một đoàn kiểm tra theo dõi quá trình xả chất thải của tập đoàn này cho tới khi nào tìm ra đối tượng thật sự. Làm điều này vừa đảm bảo được doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường, vẫn kiểm soát được tình hình ít nhất là không để chất độc được thải ra nhiều hơn nếu họ là nguyên nhân.

Bên cạnh đó, việc truy tìm nguyên nhân chính, công khai với báo chí, cập nhật tình hình với người dân là việc làm liên tục của chính quyền. Điều này giúp người dân ý thức được mức độ nguy hiểm của chất độc trong cá và biển, sẽ khiến công việc xử lý xác cá chết được dễ dàng mà lại tránh tình trạng người dân thu mua cá chết, tung ra thị trường. Một việc cần làm không kém phần quan trọng như tìm ra nguyên nhân thật sự, đó là trấn an người dân ở những vùng bị thảm hoạ. Nếu tình trạng kéo dài, cuộc sống của bà con ngư dân sẽ khốn đốn. Chuyện này đứa trẻ lên ba cũng suy luận ra, nên việc cứu trợ lúc người dân không thể ra biển là chuyện cần phải có.

Thế mà, nhìn lại suốt hơn 20 ngày qua tôi hầu như chẳng thấy chính quyền có bất kỳ một động thái nào gọi là giải quyết thảm hoạ. Chính quyền này đang làm gì và ở đâu khi thảm hoạ đang tàn phá cuộc sống của hàng triệu người dân? Rõ ràng vai trò của chính quyền trong việc giải quyết thảm hoạ là chủ yếu, những cá nhân, tổ chức khác đều chỉ là trợ giúp khi cần. Nhưng họ phủi tay, họ như trốn chạy và làm như chính họ là kẻ đã gây ra thảm hoạ kinh khủng này. Một chính quyền đã không thể làm trọn trách nhiệm của mình trong xã hội, đó là đảm bảo an toàn cho người dân của họ lúc họ cần nhất, thì thử hỏi chính quyền đó tồn tại để làm gì? Nhiều người bảo họ còn những công việc trọng đại khác thì lại càng không thể chấp nhận được. Tại sao ư? Đối với tôi, giờ không còn công việc nào quan trọng hơn là giải quyết dứt khoát thảm hoạ đang xảy ra ở miền trung.

Biển đang chết, cá đang chết, và ngư dân của mấy tỉnh miền trung đang chết. Hàng vạn con người, sinh mạng của họ lẽ nào không quan trọng hơn là bất kỳ công việc nào khác sao? Còn việc xử lý hàng chục tấn cá chết vì nhiễm độc thì sao? Lẽ nào công việc đó không quan trọng nhất lúc này sao? Cá không được xử lý đúng cách sẽ gây ra tình trạng ô nhiễm không khí. Rồi còn tình trạng nhiều người đang thu mua cá chết để chế biến tung ra thị trường sau khi sự việc này lắng xuống. Còn công việc nào quan trọng hơn là mạng sống nhân dân, những chủ nhân mà những đầy tớ tuyên thệ trung thành và bảo vệ đến cùng.

Bởi thế, đối với tôi mà nói, tôi không thể chấp nhận có một chính quyền như vậy trong xã hội. Nếu chính quyền không là nguyên nhân gây ra thảm hoạ này, thì những gì họ đang làm lại khiến họ trở thành nguyên nhân khiến thảm hoạ lan tràn trên diện rộng. Đáng chết như chính kẻ gây ra thảm hoạ. Và chính cách làm việc vô trách nhiệm, độc ác này của chính quyền mới là nguyên nhân khiến người dân biểu tình mấy ngày qua. Không có bất kỳ ai kích động, xúi dục họ xuống đường, chính quý vị đã khiến họ phải xuống đường để yêu cầu giải quyết vấn đề cuộc sống cho họ.

Bây giờ, chúng ta quay trở lại với câu hỏi: nếu Formosa là nguyên nhân thật sự, vậy chúng ta nên chọn cá hay thép? Thực ra đây không phải là câu hỏi về Formosa nữa, đây là câu hỏi mang tầm vĩ mô trong chính sách kinh tế của nhà nước: phát triển kinh tế như thế nào mới đúng đắn? Phải chăng cần phải có sự hi sinh, như hy sinh môi trường, hy sinh nghề cá, nghề du lịch biển để có được ngành công nghiệp hiện đại?

Tại sao chúng ta cần phát triển kinh tế? Nếu phát triển vì phát triển, tức là phát triển nghề thép vì thép, sắt vì sắt, dầu vì dầu, điện vì điện, xe vì xe thì lúc này con người là công cụ. Nếu con người là công cụ để phát triển thì không cần phải bàn đến môi trường. Bởi sắt, thép, xe hơi, dầu hoả, điện chúng không quan tâm đến môi trường sạch hay bẩn, nhiễm độc hay trong lành. Cứ thế mà phát triển, cứ thế mà thải, mà gây ô nhiễm. Nhưng nếu phát triển vì con người, tức là vì muốn con người được sống ấm no, hạnh phúc, thì lúc này chúng ta mới quan tâm đến vấn đề chọn lựa. Tôi nói đến chọn lựa chứ không nói đến hy sinh.

Khi nói về hợp tác, chúng ta thường nghe đến cụm từ: hợp tác cùng có lợi. Tức là win-win. Vậy thử phân tích trường hợp của Formosa, chúng ta thấy nguyên tắc trên có thật sự là win-win?

Nhiều người ủng hộ sự hy sinh môi trường để phát triển kinh tế, thường lập luận rằng: các tập đoàn này sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều công ăn việc làm, giúp chúng ta có ngành công nghiệp phát triển, và chúng ta sẽ thu được một số tiền khổng lồ từ các tập đoàn này nếu chấp nhận những ht sinh cần thiết. Cứ cho giả thuyết này là đúng, vậy thứ phân tích xem nó đúng đến nức nào.

Lấy Formosa làm ví dụ. Cứ cho là chúng ta chấp nhận Formosa được phép thải chất độc hại ra môi trường mà không cần nhiều lắm đến các quy trình xử lý chúng. Điều này giúp Formosa giảm nhiều chi phí về công nghệ xử lý chất thải, và vì thế lợi nhuận của tập đoàn này tăng. Vì lợi nhuận tăng, Fomosa muốn mở rộng các hoạt động của mình trên Việt Nam, nên có thêm nhiều khu công nghiệp khác trên cả nước Việt Nam. Họ cũng đều được nới lỏng các tiêu chuẩn về chất thải ra môi trường, cũng như những điều khoản khác. Với động thái này, chắc chắn Formosa giúp Việt Nam giải quyết được vấn đề việc làm, tạo thêm nhiều thu nhập cho nước nhà từ người dân đến nhà nước. Nhìn qua có vẻ hợp tác kiểu này đúng win-win, nhưng xét về lâu dài đây là kiểu hợp tác: win-fail.

Kẻ thắng là tập đoàn Formosa, kẻ thua là người dân Việt Nam. Tại sao? Vì Fomosa được phép thải chất thải ra môi trường mà bỏ qua những tiêu chuẩn cần thiết, trong một thời gian môi trường bị ô nhiễm. Nước bị ô nhiễm, đất bị ô nhiễm, không khí bị ô nhiễm. Lúc này tiền vẫn cứ đến với các công nhân làm trong nhà máy và vẫn chảy đều đều vào ngân sách nhà nước, nhưng tiền lúc này không thể làm cho nước hết bẩn, không khí hết bẩn, đất đai hết bẩn. Lúc này nhu cầu sử dụng không khí sạch đóng bình bắt đầu, nước sạch bắt đầu. Vậy là số tiền công nhân kiếm được thay vì sử dụng những nhu cầu khác, thì lại mua những thứ đáng lẽ ra nó không cần mua.

Cũng thế, với tình trạng ô nhiễm trầm trọng xảy ra trên cả nước, nhà nước phải sử dụng ngân sách để làm sạch môi trường. Việc làm sạch môi trường lúc này cần đến thời gian hàng chục năm, và tiền bạc thì cần rất nhiều. Số tiền thu được từ Fomosa đáng lẽ ra có thể làm những việc có ích khác như tạo dòng vốn trong xã hội, hay cung cấp thêm nhiều dịch vụ y tế, giáo dục tốt hơn, thì nay lại sử dụng vào việc làm không cần làm nếu biết tính toán từ trước. Có thể nói, Fomosa mang lại cho chúng ta tiền đấy, thép đấy nhưng chúng ta lại không được dùng như chúng ta mong muốn. Bên cạnh đó, khi môi trường bị nhiễm độc việc thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài sẽ hạn chế, có thể sẽ ngừng hẳn. Vì sẽ có những bất ổn về chính trị, xã hội xảy ra do nạn ô nhiễm môi trường gây ra.

Điều này dễ hiểu, hãy nhìn vào những gì đang xảy ra ở Việt Nam, hay những xung đột đã và đang xay ra trên thế giới vì môi trường sống bị huỷ hoại. Các tập đoàn họ sẽ không chấp nhận rủi ro khi xã hội không có tính ổn định. Điều này khiến kể hoạch cộng nghiệp hoá cũng phá sản. Lúc này ai mới là kẻ chiến thắng trong sự hợp tác này. Chắc chắn đó chính là Fomosa. Họ có tiền, họ thu về lợi nhuận. Và khi cảm thấy đủ họ sẽ đầu tư nơi khác, và sống ở một nơi khác có môi trường sống trong lành hơn. Chúng ta mất tất cả, họ được tất cả.

Vậy như thế nào mới phát triển kinh tế đúng đắn?

Phát triển là vì con người, chứ không thể hy sinh con người vì phát triển. Chắc chắn một chính sách phát triển đặt nền tảng trên quyền lợi chung, lợi ích chung là một chính sách phát triển đúng đắn. Sự thực là chính sách phát triển hiện nay của Việt Nam có quá nhiều sai lầm. Trong mấy chục năm qua người dân đã hy sinh rất nhiều để phát triển kinh tế, vậy thử nhìn lại coi chúng ta được gì? Tham nhũng, lạm quyền, các nhóm tư bản đỏ ngày một nhiều, còn người dân thì vẫn khốn khổ, môi trường thì ô nhiễm trầm trọng, kinh tế thì vẫn lết đết theo sau đít người khác. Đến ngay cả con ốc vít con chưa chế tạo nổi, thì nói mẹ gì tới công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Chính sách phát triển đòi hỏi hy sinh chỉ tạo thêm nhiều bất ổn trong xã hội, và đây là chính sách phát triển kinh tế sai lầm. Chắc chắn phải có một chính sách phát triển hợp lý, đúng đắn.

Chúng ta cần phải phát triển kinh tế, không ai phủ nhận điều này. Nhưng không phải đặt trên nền tảng là hy sinh, mà là giải pháp tốt nhất. Đâu nhất thiết thu hút đầu tư nước ngoài, là phải hy sinh nhóm dân này, hệ sinh thái nọ. Để có thể có nguồn vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta cần có một chính quyền trong sạch, một nền pháp quyền hoàn thiện, những chính sách thuế khoản hấp dẫn, những nguồn lực dồi dào và chất lượng, hệ thống giao thông hiện đại. Bên cạnh đó, bỏ đi các thủ tục hành chính rườm ra không đáng có, đảm bảo tính ổn định của xã hội bằng các giá trị tự do, nhân quyền. Nếu chúng ta làm được điều đó, tôi dám chắc nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn bao giờ hết, mà không cần phải hi sinh môi trường, hy sinh nghề biển, hy sinh đất sinh sống của người dân.

Thân!Joseptuat.

THĐP