Bà Bán Bún và Ông Tỉ Phú

Nếu ngày mai bất chợt phải lìa xa cuộc sống, gia tài nào bạn muốn để lại cho đứa con của mình?

Bà Thạch Kim Phát, một người bán bún ở TP HCM, đột tử vào năm 2011. Đây có lẽ chỉ là một chuyện buồn của gia đình mất người thân, nếu như người ta không bất ngờ biết rằng bà để lại một khối gia sản cả nghìn tỷ đồng. Và bà không chuẩn bị di chúc. Tranh chấp thừa kế đã diễn ra từ đó đến tận bây giờ vẫn chưa ngã ngũ.

Những câu chuyện như vậy không hiếm ở nước ta, đặc biệt là khi cuộc sống ngày càng khấm khá hơn. Và trong nhiều trường hợp, tiền không giúp cho con cái có được cuộc sống an lành hơn, mà lại trở thành quả táo bất hoà cho những mâu thuẫn, căng thẳng không bao giờ dứt.

ts_BBAK

Tiền không giúp cho con cái có được cuộc sống an lành hơn

Những tỷ phú biết cách xử lý vấn đề này như thế nào. Nhà tài phiệt HongkongYu Pang-lin, vừa qua đời ở tuổi 93 đã tặng toàn bộ tài sản hơn 2 tỷ đôla của mình cho từ thiện, và không để lại một xu nào cho con cái. Ông không phải là trường hợp ngoại lệ. Hai trong số những người giàu nhất thế giới hiện tại, nhà đầu tư Warrant Buffet và người sáng lập Microsoft Bill Gates, đều tuyên bố dành phần lớn khối gia tài tổng cộng hơn 150 tỷ đôla cho hoạt động nhân đạo.

Hai câu chuyện về thừa kế cho chúng ta nhiều điều đáng suy nghĩ. Nếu ngày mai bất chợt phải lìa xa cuộc sống, gia tài nào bạn muốn để lại cho đứa con của mình?

“Của để dành” từng là một trong những nguyên do chính cho sự giàu có của các cá nhân, cũng như gia tăng hố sâu giàu – nghèo trong xã hội. Trong cuốn sách rung động toàn cầu trong năm 2014 “Tư bản trong thế kỷ 21”, kinh tế gia người Pháp Thomas Piketty đã chứng minh rằng tài sản thừa kế là một trong những lý do chính khiến cho bất bình đẳng toàn cầu tăng tốc trong thế kỷ 20. Ông đã đề xuất đánh thuế thật nặng vào tài sản, đặc biệt là tài sản thừa kế, để giúp thế giới bình đẳng hơn. Dễ hiểu là đề xuất này chịu nhiều chỉ trích và có lẽ không bao giờ được hiện thực hóa, nên vấn đề về thừa kế và bình đẳng tựu trung lại vẫn tuỳ thuộc vào các tỷ phú.

Tất nhiên, đó là chuyện của tỷ phú. Những vấn đề vĩ mô như vậy phần lớn không ảnh hưởng gì nhiều đến quyết định của những người bình thường. Với phần đông chúng ta, con cái là cả thế giới của bố mẹ, và có lẽ nên thành thật thừa nhận rằng chúng ta quan tâm đến thế giới đó nhiều hơn là nạn đói ở châu Phi hay động đất ở Nepal. Vì thế, mỗi người đều muốn để lại cho con mình những gì tốt đẹp nhất.

Người châu Á nhìn chung hay có tâm lý “hy sinh đời bố, củng cố đời con”, làm việc cật lực để sau này cuộc sống con cái được sung sướng. Từ ngày xưa đã có những câu chuyện cả gia đình phải nhịn ăn để nuôi cậu học trò đi thi, mang vinh quang về cho ông bà, tổ tiên. Trong thời đại ngày nay, nhiều bậc cha mẹ thì chạy ngược xuôi kiếm tiền cho con đi du học. Khi học xong, thì tìm mọi cách để “lót ổ” cho con vào những nơi có công việc tốt, và có một gia đình ổn định. Với chúng ta, không có gì tốt hơn cho con cái ngoài việc trải thảm hồng cho con đường chúng sẽ đi qua.

Người phương Tây thì nghĩ khác. Tôi đã từng gặp rất nhiều bạn châu Âu gia đình khá giả, nhưng vẫn phải làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống mà không nhận được trợ giúp nào từ bố mẹ. Họ không oán trách một lời nào, mà coi đó là việc đương nhiên để giúp bản thân có được một cuộc sống độc lập. Ngay cả con trai của ngôi sao bóng đá và triệu phú David Beckham, Brooklyn, cũng phải đi làm bồi bàn ở quán café để có tiền tiêu vặt.

Lý do có lẽ là bởi cách thể hiện tình yêu của mỗi nền văn hoá là khác nhau. Tình yêu con cái của người phương Đông giống như người thợ kim hoàn chăm sóc viên kim cương. Chúng ta gọt dũa nó theo ý mình, mài sạch không tì vết và trưng bày trong tủ kính. Với người phương Tây, đó là cách loài sư tử dạy con trưởng thành: có che chở, bảo vệ, nhưng dần dần để nó độc lập đối diện với thiên nhiên hoang dã. Một bên coi trọng sự chở che và an toàn, một bên thì coi trọng tính tự chủ và trải nghiệm.

Tất nhiên, việc đánh giá cách nào tốt hơn và phù hợp hơn cho con cái mình tuỳ thuộc vào mỗi người. Bạn có thể chọn cách của bà bán bún hoặc của ông tỷ phú hoặc cách của riêng mình. Con bạn sẽ trở thành người mà bạn muốn nó trở thành. Viên kim cương, con sư tử, hay giản dị là một cá nhân trưởng thành từ tình yêu và lòng tin của các bậc sinh thành.

.

Khắc Giang
Nghiên cứu viên, Viện VEPR
Theo VnExpress